Trung Quốc thúc giục tất cả các bên liên quan đến căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên giữ điềm tĩnh và kiềm chế sau vụ phóng tên lửa được cho là thất bại của Bình Nhưỡng.
Ông Ri Su Yong (giữa) là quan chức cấp cao nhất của CHDCND Triều Tiên thăm Trung Quốc kể từ năm ngoái đến nay. Ảnh: Tân Hoa xã |
Ngày 1-6, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp gỡ Phó Chủ tịch đảng Lao động Triều Tiên, cựu Ngoại trưởng Ri Su Yong, đang có chuyến thăm Bắc Kinh để xoa dịu căng thẳng trong quan hệ với Bắc Kinh - đồng minh lớn nhất của Bình Nhưỡng. Ông Ri là quan chức cấp cao nhất của Bình Nhưỡng thăm Trung Quốc kể từ tháng 9-2015.
Hãng AP cho biết, chuyến thăm Trung Quốc của ông Ri Su Yong diễn ra trong lúc mối quan hệ giữa Bắc Kinh với CHDCND Triều Tiên xuống dốc sau các vụ thử tên lửa và hạt nhân của Bình Nhưỡng. Bên cạnh đó, vị Phó Chủ tịch đảng Lao động Triều Tiên cũng muốn thông báo với giới chức Bắc Kinh về kết quả của Đại hội đảng Lao động, một sự kiện lớn nhất của Bình Nhưỡng trong nhiều thập niên qua nhưng thiếu sự hiện diện của đồng minh Trung Quốc. Việc Trung Quốc không có mặt tại Đại hội đảng Lao động Triều Tiên được cho là một dấu hiệu rạn nứt giữa hai đồng minh truyền thống.
Trong khi đó, Tân Hoa xã không đề cập về việc “chùng” xuống trong quan hệ giữa Trung Quốc với CHDCND Triều Tiên, chỉ dẫn lời ông Tập Cận Bình rằng, Trung Quốc xem trọng quan hệ hữu nghị và hợp tác với CHDCND Triều Tiên và sẵn sàng nỗ lực để bảo vệ, củng cố, phát triển mối quan hệ này. Song, Chủ tịch Tập Cận Bình nhấn mạnh: Quan điểm của Trung Quốc đối với vấn đề bán đảo Triều Tiên đã rõ. “Chúng tôi hy vọng các bên liên quan giữ điềm tĩnh, kiềm chế, thúc đẩy liên lạc và đối thoại, bảo đảm hòa bình và ổn định ở khu vực”, ông Tập Cận Bình nói.
Dưới thời nhà lãnh đạo Kim Jong-un, mối quan hệ giữa Trung Quốc và CHDCND Triều Tiên trở nên lạnh nhạt, phần lớn do chính phủ của ông Kim quyết tâm theo đuổi vũ khí hạt nhân và công nghệ tên lửa. Kể từ lúc nắm quyền sau khi người cha là ông Kim Jong-il qua đời vào năm 2011, đến nay, ông Kim Jong-un vẫn chưa có chuyến thăm Trung Quốc, nhưng cha của ông đã đến Trung Quốc nhiều lần.
Mặc dù Trung Quốc vẫn là đồng minh, là nước hỗ trợ lớn nhất cho CHDCND Triều Tiên về ngoại giao và kinh tế, nhưng trong năm nay, Bắc Kinh đã thống nhất các biện pháp trừng phạt của Liên Hợp Quốc đối với Bình Nhưỡng. Các nhà quan sát cũng cho rằng, trao đổi thương mại giữa hai nước cũng giảm đáng kể. Trung Quốc đã kêu gọi đàm phán về một hiệp ước hòa bình giữa CHDCND Triều Tiên với Mỹ và chỉ trích kế hoạch của Washington trong việc triển khai một hệ thống phòng thủ tên lửa tiên tiến cho Hàn Quốc.
Khi được hỏi về chuyến thăm của ông Ri Su Yong, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh không cho biết thêm thông tin gì, chỉ nói rằng, cường quốc châu Á này vẫn cam kết thúc đẩy phi hạt nhân hóa, hòa bình, ổn định trên bán đảo Triều Tiên và giải quyết các vấn đề liên quan thông qua đối thoại và đàm phán.
Cũng trong ngày 1-6, hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên KCNA dẫn lời ông Ri Su Yong khẳng định Bình Nhưỡng không có kế hoạch từ bỏ chương trình phát triển hạt nhân của nước này.
Phía Nhật Bản tiếp tục có những phản ứng gay gắt sau vụ thử tên lửa tầm trung được cho là thất bại của CHDCND Triều Tiên vào ngày 31-5. Theo đó, trả lời báo giới, Vụ trưởng Vụ các vấn đề châu Á và châu Đại Dương của Bộ Ngoại giao Nhật Bản Kimihiro Ishikane cho rằng, không thể dung thứ việc CHDCND Triều Tiên thực hiện các chương trình hạt nhân và tên lửa. Tại cuộc họp của các đặc phái viên hạt nhân Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ ở Tokyo ngày 1-6, cả ba nước cũng đã thống nhất quan điểm tăng cường sức ép đối với CHDCND Triều Tiên.
PHÚC NGUYÊN