.

Châu Âu đau đầu vì Brexit

.

Hàng loạt cuộc họp của Liên minh châu Âu (EU) được tổ chức khẩn cấp nhằm củng cố liên minh này trong trường hợp chỉ còn 27 thành viên sau khi Anh bỏ phiếu chọn Brexit.

Thủ lĩnh đảng Độc lập Anh (UKIP) Nigel Farage (trái) gặp gỡ Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker tại Brussels ngày 28-6. Ông Farage ủng hộ chủ trương Brexit.     		        Ảnh: AFP
Thủ lĩnh đảng Độc lập Anh (UKIP) Nigel Farage (trái) gặp gỡ Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker tại Brussels ngày 28-6. Ông Farage ủng hộ chủ trương Brexit. Ảnh: AFP

Điều đáng nói là các nhà lãnh đạo EU và các nghị sĩ thuộc Nghị viện châu Âu đều kêu gọi Anh rời liên minh ngay lập tức. Và như vậy, dường như việc Anh phải rời EU, theo kết quả của cuộc trưng cầu dân ý ngày 23-6 vừa qua, là điều không thể tránh khỏi.

Hãng Reuters cho biết, ngày 28-6, Thủ tướng David Cameron gặp gỡ các nhà lãnh đạo EU tại hội nghị thượng đỉnh của liên minh này ở Brussels (Bỉ). Đây là lần gặp gỡ đầu tiên của ông Cameron với các nhà lãnh đạo EU kể từ sau cuộc bỏ phiếu gây chấn động vừa qua. Theo đó, ông Cameron chia sẻ quan điểm về cuộc trưng cầu dân ý và vẽ ra bức tranh về tương lai của nước Anh. Vị Thủ tướng này đang chịu sức ép của EU, đó là phải kích hoạt điều 50 Hiệp ước Lisbon về châu Âu, để Anh rời EU nhanh chóng, thay vì chờ đến tháng 10. Các nước châu Âu đặc biệt lo ngại tác động của việc Anh bỏ phiếu rời EU đối với các nước còn lại trong liên minh. Thủ tướng Đức Angela Merkel nói rằng, sẽ không có các cuộc đàm phán chính thức hay không chính thức nào với Anh cho đến khi xứ sở sương mù này bắt đầu các tiến trình rời EU và trong các cuộc thương thuyết sắp tới, London sẽ không có sự lựa chọn tốt nhất.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Tài chính Anh George Osborne trước đó khẳng định nước ông sẽ không bắt đầu tiến trình đàm phán Brexit cho đến khi thủ tướng mới - người thay thế ông Cameron - nhậm chức. Thành ra, tại hội nghị thượng đỉnh của EU diễn ra trong hai ngày 28 và 29-6, ông Cameron có thể không có động thái nào trong việc thông báo quyết định rời khỏi khối.

Tại cuộc họp của Nghị viện châu Âu, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker kêu gọi Thủ tướng Cameron nhanh chóng xác định thời điểm Anh dự định rời EU. Cũng như bà Merkel, ông Juncker khẳng định không thể có cuộc thương thuyết nào về quan hệ tương lai trước khi London chính thức xin rời liên minh. Lý do mà người đứng đầu Ủy ban châu Âu đưa ra là ông không muốn “tình trạng không rõ ràng kéo dài”.

Vấn đề châu Âu đang đối mặt là nguy cơ khủng hoảng nếu thiếu Anh và điều lo ngại nhất là hiệu ứng domino do London tạo ra sau cuộc bỏ phiếu. Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk muốn EU phải kiên nhẫn với Anh. Ông Tusk nói rằng, nếu không có đơn chính thức của Anh thì không thể bắt đầu tiến trình đàm phán “ly khai” hoặc một mối quan hệ trong tương lai nhưng để hoàn tất tiến trình này thì EU cần kiên nhẫn.

Hãng AFP dẫn lời Thủ tướng Merkel khẳng định EU có thể vượt qua Brexit. “EU đủ mạnh để chống đỡ với sự rút lui của Anh”, bà Merkel phát biểu tại Quốc hội Đức trước khi lên đường đến Brussels tham dự hội nghị thượng đỉnh của khối. “EU cũng đủ mạnh để bảo vệ thành công các lợi ích của mình trong tương lai”, bà Merkel nói thêm; đồng thời cho rằng EU sẽ tiếp tục bảo đảm “hòa bình, sự thịnh vượng và ổn định”.

Nhà lãnh đạo Đức được cho là người dẫn đầu các cuộc đàm phán trong tương lai với Anh. Bà đã cùng các nhà lãnh đạo Pháp và Ý thống nhất quan điểm thúc giục 27 nước còn lại trong EU tăng cường hợp tác về an ninh cũng như các chương trình thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm cho thanh niên. Bà Merkel bày tỏ hy vọng hội nghị thượng đỉnh EU diễn ra trên tinh thần đoàn kết và EU nên đặt mục tiêu hoàn tất việc cải cách khối. Theo đó, nữ Thủ tướng Đức sẽ hoan nghênh bất kỳ đề xuất nào dẫn dắt liên minh gồm 27 thành viên (không có Anh) vượt qua khủng hoảng.

Trong khi đó, khủng hoảng xảy ra trong chính nước Anh khi hơn 20 nghị sĩ kỳ cựu, cao cấp của Công đảng tuyên bố từ chức để phản đối ông Jeremy Corbyn, Chủ tịch đảng này, sau khi ông không thể ngăn cản quyết định rời EU của nước Anh. Ông Corbyn hiện tuyên bố không từ chức, bất chấp sức ép từ chính Công đảng. Song, các nghị sĩ lo ngại đảng này sẽ dưới sự lãnh đạo của ông Corbyn sẽ không thể chiến thắng  trong một cuộc bầu cử tiếp theo.

Vì vậy, theo các nhà quan sát, bất kỳ ai kế nhiệm ông Cameron cũng sẽ phải “dọn dẹp” mớ lộn xộn của chính trường Anh. Đó là chưa kể nền kinh tế Anh đang lao đao sau cuộc bỏ phiếu và theo cảnh báo của Ngân hàng Đầu tư đa quốc gia Goldman Sachs (Mỹ) thì “bắt đầu rơi vào suy thoái nhẹ” trước đầu năm 2017.

PHÚC NGUYÊN

;
.
.
.
.
.