Kết quả trưng cầu dân ý tại Anh về việc rời khỏi Liên minh châu Âu đã “gây sốc” chính trường cùng các thị trường tài chính khắp thế giới.
Với các cử tri Anh ủng hộ ở lại EU, 23-6 là một ngày buồn. (Ảnh: Getty) |
Trái ngược với nhận định, kêu gọi của nhiều chính trị gia thế giới, cử tri Anh ngày 23/6 đã bỏ phiếu chọn rời khỏi Liên minh châu Âu (EU). Kết quả này đã tạo ra một cơn "địa chấn" khắp thế giới. Trong khi những người ủng hộ Anh rời khỏi EU ăn mừng chiến thắng, các chính trị gia cùng giới phân tích lo ngại về một cuộc khủng hoảng chính trị, kinh tế.
Phản ứng trái chiều
Phát biểu sau khi kết quả được công bố, Chủ tịch Nghị viện châu Âu Martin Schulz cho biết lấy làm tiếc về kết quả này, nhưng khẳng định EU đã “chuẩn bị sẵn sàng” cho tình huống này.
“Giờ chúng ta đã biết rõ người Anh muốn đi theo con đường của riêng mình”, ông Martin Schulz nói, trước khi cảnh báo cách thức các cuộc vận động trưng cầu dân ý được thực hiện tại Anh không phải mô hình tốt trên phạm vi rộng lớn hơn tại EU.
Ông Schulz cũng khẳng định sẽ bàn thảo với Thủ tướng Đức Angela Merkel về “cách thức ngăn chặn phản ứng dây chuyền” tại các quốc gia EU khác. “Phản ứng dây chuyền đang được ăn mừng ở đâu đó bởi những người hoài nghi vào EU sẽ không diễn ra”, ông Schulz khẳng định.
Ông Manfred Weber, chủ tịch Đảng Nhân dân châu Âu, tập hợp các đảng trung hữu tại nghị viện châu Âu thì cảnh báo Anh sẽ “không được đối xử đặc biệt”, và phải rời EU trong vòng 2 năm.
“Đó là một cuộc bỏ phiếu của người Anh, không phải của châu Âu. Hợp tác trong khuôn khổ châu Âu là câu hỏi về sự tự quyết của lục địa này. Chúng tôi muốn có một châu Âu tốt hơn, khôn ngoan hơn. Chúng ta phải thuyết phục người dân và đưa châu Âu trở lại với họ.
Các cuộc đàm phán về việc ra đi nên hoàn tất trong vòng không quá 2 năm. Sẽ không thể có sự đối xử đặc biệt nào”, ông Weber, một đồng minh thân cận của Thủ tướng Đức Angela Merkel nhấn mạnh.
Ngoại trưởng Anh Phillip Hammond thì cho biết Thủ tướng David Cameron đã tuyên bố rõ ràng về việc muốn tiếp tục tại vị. Điều nước Anh cần vào lúc này là “sự liên tục và ổn định”. Ông Hammond cũng thừa nhận kết quả trưng cầu dân ý có thể sẽ khiến những kêu gọi tuyên bố độc lập cho Scotland mạnh mẽ trở lại, đồng thời kinh tế Anh sẽ đối diện “những thách thức rất lớn”.
Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier thì nói rằng hôm nay là một ngày buồn đối với cả nước Anh và EU.
Từ nước Mỹ, Nhà Trắng cho biết Tổng thống Barack Obama sẽ có cuộc hội đàm với Thủ tướng Anh David Cameron ngay ngày hôm sau cuộc trưng cầu dân ý. Ông Obama đã được báo cáo tóm tắt về diễn biến và đang tiếp tục được cập nhật tình hình.
Bà Marine Le Pen, lãnh đạo đảng Mặt trận dân tộc của Pháp, nói rằng bà hoan nghênh kết quả trưng cầu ở Anh và hy vọng sẽ có một trưng cầu tương tự diễn ra ở Pháp.
Trong khi đó, Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull dự đoán rằng nếu Anh rời EU sẽ kéo theo một giai đoạn bất ổn, tuy nhiên tác động trực tiếp tới Úc sẽ hạn chế.
Thị trường tài chính chao đảo
Các thị trường tài chính toàn cầu đã lập tức chao đảo khi kết quả trưng cầu dân ý được công bố. Đồng bảng Anh lao dốc tới 10%, xuống mức thấp nhất trong vòng 30 năm qua so với USD, trước khi phục hồi, nhưng vẫn giảm 8%, theo Reuters.
Tình hình buộc Ngân hàng Trung ương Anh phải ra thông cáo, cam kết thực hiện “mọi bước đi cần thiết” để ổn định tình hình.
“Ngân hàng trung ương Anh đang theo dõi chặt chẽ mọi diễn biến. Chúng đã thực hiện các kế hoạch ứng phó toàn diện, và đang phối hợp chặt chẽ với Bộ tài chính, cùng các cơ quan trong nước cũng như các ngân hàng trung ương nước ngoài. Ngân hàng trung ương Anh sẽ thực hiện mọi bước đi cần thiết để thực thi trách nhiệm đối với sự ổn định tiền tệ và tài chính”.
Theo Thanh Tùng (Dân trí)