Dường như giới chức Liên minh châu Âu (EU) khá sốt ruột sau khi Anh công bố kết quả trưng cầu dân ý. Họ nói rằng, Thủ tướng David Cameron không cần viết đơn nữa, chỉ cần trình bày miệng yêu cầu của Anh về việc rời liên minh là xong! Còn người Anh lúc này đang hối tiếc và muốn tổ chức trưng cầu dân ý lần hai.
Một số người dân Anh bàng hoàng sau khi có kết quả trưng cầu dân ý. Ảnh: NBC |
Một phát ngôn viên của Hội đồng các lãnh đạo EU cho biết: “Việc thông báo về đề nghị rời khối có thể thực hiện bằng cách gửi thư đến Chủ tịch Hội đồng châu Âu, hoặc có một tuyên bố tại cuộc họp của Hội đồng châu Âu và được ghi lại trong biên bản chính thức của cuộc họp”. Với quan điểm như vậy, rõ ràng giới chức châu Âu đã ngầm định với nhau rằng, Thủ tướng Anh David Cameron hoàn toàn có thể bắt đầu ngay công việc này khi ông phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh của EU diễn ra vào ngày 29-6 tới. Một quan chức EU khác khi được hỏi về tâm lý thất vọng đang gia tăng trong nhóm lãnh đạo châu lục trước việc Thủ tướng Anh trì hoãn gửi thông báo chính thức đề nghị rời khối đã nói: “Thậm chí không cần phải viết nữa, ông ấy trình bày miệng yêu cầu của Anh cũng được rồi”.
Theo kế hoạch, ông Cameron sẽ thông báo đến 27 lãnh đạo các nước thành viên khác trong EU tại Hội nghị thượng đỉnh của EU về kết quả trưng cầu dân ý: người Anh quyết định chọn ra đi và cùng với đó là việc ông Cameron tuyên bố sẽ từ chức.
Trước đó, ngày 24-6, ông Cameron cho biết sẽ để người kế nhiệm kích hoạt điều 50 Hiệp ước Lisbon về EU bắt đầu lộ trình hai năm giải quyết thủ tục rời khỏi khối. Thông tin trên có vẻ như trái ngược với cam kết của ông là ngay sau khi có kết quả trưng cầu dân ý sẽ lập tức tiến hành quá trình này. Tuyên bố của ông Cameron khiến giới lãnh đạo EU bực bội. Hơn lúc nào hết, EU mong muốn tìm ổn định nhanh chóng sau sự cố Brexit để hạn chế những bất ổn không mong muốn.
Một số nhà lãnh đạo châu Âu vẫn kỳ vọng đích thân ông Cameron sẽ là người bắt tay triển khai các thủ tục để Anh rời EU trong vài ngày hoặc vài tuần tới. Tuy nhiên, giới chức Anh vẫn chưa tỏ ra sẵn sàng cho việc này.
Một số chính trị gia chủ trương ra đi từ lâu đã nói rằng, nước Anh nên đàm phán trước về một quan hệ mới toàn diện với EU, như cơ chế tiếp cận các thị trường trong khối mà không phải tuân thủ các điều khoản chung của EU hay vấn đề nhập cư, trước khi họ bước vào giai đoạn hai năm đàm phán chuyện ra đi với việc vận dụng điều 50 (Khổ đầu tiên của điều 50 viết: “Mọi thành viên có thể tự quyết định rút khỏi liên minh theo trình tự quy định bởi hiến pháp”). Những cuộc đàm phán kiểu này khiến giới lãnh đạo EU lo ngại. Họ sợ tình trạng dằng dai không dứt trong các tranh luận với London sẽ làm gia tăng hiệu ứng domino với các quốc gia còn lại trong liên minh.
Tất nhiên họ không có điều khoản pháp lý nào để buộc Anh phải bắt đầu tiến hành thủ tục rời khối, nhưng đang dồn áp lực lên Thủ tướng Cameron để ông giữ đúng cam kết vận dụng điều 50 và bắt đầu thương thuyết, đồng thời tôn trọng kết quả trưng cầu.
Trong khi đó, các nhân viên thuộc cơ quan bầu cử quốc gia Anh cho biết, sau kết quả trưng cầu ngày công bố ngày 24-6, vẫn tiếp tục có những cuộc gọi tới họ hỏi rằng liệu họ có thể thay đổi quyết định của mình hay không.
Tâm lý hoang mang, lo lắng này được truyền thông Anh gọi là “Bregret” (ghép từ chữ Britain và regret với hàm nghĩa nước Anh hối tiếc). Thực tế, hiện tượng Bregret bắt đầu nổi lên kể từ khi đồng bảng Anh mất giá đột ngột, rơi xuống mức thấp nhất trong 31 năm so với đồng USD. Cộng thêm với đó là việc ông Nigel Farage của phe chủ trương ra đi thừa nhận cam kết trước đó sẽ dành hàng triệu bảng Anh đáng lý phải nộp cho EU để đầu tư vào hệ thống y tế quốc gia là một “nhầm lẫn”.
Hãng Reuters cho biết, hơn 2,5 triệu người đã ký vào một bản kiến nghị kêu gọi tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý lần hai về việc Anh rời EU, buộc các nhà lập pháp phải xem xét lại vấn đề này. Theo quy định, nếu đơn đề nghị vượt qua con số 100.000 chữ ký, cơ quan lập pháp Anh sẽ phải cân nhắc tiến hành thảo luận. Tuy nhiên, Thủ tướng Cameron khẳng định sẽ không có việc trưng cầu dân ý lần hai.
TRẦN ĐẮC LUÂN