.

Nga và phương Tây hội đàm giữa khủng hoảng

.

Tổng thống Vladimir Putin gặp gỡ các nhà lãnh đạo châu Âu vào ngày 16-6 tại Diễn đàn Đầu tư quốc tế St.Petersburg, một diễn đàn kinh tế hàng đầu của Nga, trong lúc căng thẳng giữa Mátxcơva với phương Tây vẫn chưa lắng xuống. Chỉ vài tuần trước, Liên minh châu Âu (EU) đã bỏ phiếu mở rộng lệnh trừng phạt Nga xung quanh cuộc khủng hoảng ở Ukraine.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (bìa trái) gặp gỡ cựu Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy trước thềm Diễn đàn Đầu tư quốc tế St.Petersburg. 	        Ảnh: AFP
Tổng thống Nga Vladimir Putin (bìa trái) gặp gỡ cựu Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy trước thềm Diễn đàn Đầu tư quốc tế St.Petersburg. Ảnh: AFP

Hãng AFP cho biết, Tổng thống Putin đã gặp Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker. Đây là chuyến thăm Nga của một quan chức cấp cao nhất EU kể từ khi bán đảo Crimea được sáp nhập vào Nga.

Ông Juncker cảnh báo, chuyến thăm của ông không phải là một cơ hội cho EU công bố bất kỳ sự thay đổi thái độ nào đối với Nga sau sự kiện sáp nhập bán đảo Crimea và sự trỗi dậy của lực lượng ly khai ở đông Ukraine. AFP dẫn lời người phát ngôn EC Margaritis Schinas rằng, ông Juncker đến St.Petersburg với tinh thần đối thoại - là “người bắc cầu” chứ không phải là nhà đàm phán.

Trước thềm cuộc gặp nói trên, Yury Ushakov, cố vấn chính sách ngoại giao hàng đầu của Tổng thống Putin nói rằng, cuộc gặp gỡ rất quan trọng và những khó khăn hiện tại giữa Nga với EU sẽ được hai bên đề cập thẳng thắn.

Ông Putin cũng gặp gỡ Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon cùng đặc sứ của cơ quan này tại Syria, ông Staffan de Mistura. Song, trong lúc này, Nga và châu Âu vẫn mâu thuẫn xung quanh vai trò của Mátxcơva trong việc ủng hộ Tổng thống Syria Bashar al-Assad.

Cũng theo AFP, do các biện pháp trừng phạt của phương Tây nên nền kinh tế Nga hiện rơi vào suy thoái nghiêm trọng nhất kể từ khi ông Putin nắm quyền Tổng thống cách đây 16 năm. Mặc dù có những tuyên bố rằng, kinh tế Nga có thể nhanh chóng tăng trưởng trở lại nhưng vẫn có những quan ngại sâu sắc về tình trạng trì trệ kéo dài của nền kinh tế.

Ông Juncker nói với nhà lãnh đạo Nga rằng, cách duy nhất để EU dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Mátxcơva là nước này thực thi đầy đủ thỏa thuận hòa bình do Pháp và Đức đề xuất hồi tháng 2 năm ngoái nhằm chấm dứt sự trỗi dậy của lực lượng ly khai ở đông Ukraine. “Bước tiếp theo đã rõ ràng, là thực thi đầy đủ thỏa thuận hòa bình, không hơn không kém. Đây là cách duy nhất để bắt đầu các cuộc đối thoại của chúng tôi và là cách duy nhất để dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt”, ông Juncker phát biểu tại diễn đàn ở St.Petersburg.  

THIÊN BÌNH

;
.
.
.
.
.