Khoảng 46,5 triệu người dân Anh ngày 23-6 chính thức tham gia bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu dân ý về việc nước Anh sẽ ra đi hay ở lại Liên minh châu Âu (EU). Cử tri đánh dấu vào dòng “Vẫn là một thành viên EU” hay dòng “Rời EU”.
Chiến dịch vận động ở cả hai phe (ra đi/ ở lại) đã diễn ra đến phút cuối trước ngày trưng cầu dân ý. Ảnh: AP |
Các điểm bỏ phiếu mở cửa từ 7-22 giờ ngày 23-6, giờ địa phương (tức 13 giờ ngày 23-6 đến 4 giờ ngày 24-6, giờ Việt Nam). Đây là lần trưng cầu dân ý thứ ba trong lịch sử nước Anh. Sự kiện này diễn ra sau 4 tháng vận động và tranh đấu, kêu gọi và khuyên nhủ, mời mọc và dụ dỗ giữa hai chiến dịch Leave (ra đi) và Remain (ở lại). Nó cũng đánh dấu cuộc khủng hoảng lớn nhất trong lịch sử tồn tại 60 năm của EU.
Trong cuộc trưng cầu dân ý này, người dân Anh sẽ nhận được tờ phiếu với một câu hỏi duy nhất: “Vương quốc Anh nên ở lại là một thành viên của EU hay rời EU?”; họ đánh dấu vào dòng “Vẫn là một thành viên EU” hay dòng “Rời EU”. Bất cứ bên nào có số phiếu quá bán sẽ trở thành bên thắng cuộc. Thực tế, những người dân bỏ phiếu đang tham gia một “cuộc chiến” với hai mặt trận chính có liên hệ mật thiết với chuyện đi hay ở, đó là cuộc khủng hoảng người nhập cư và kinh tế.
Sau khi kết thúc thời gian bỏ phiếu, các hòm phiếu niêm phong sẽ được tập hợp lại và chuyển về khu kiểm phiếu tại 382 điểm bỏ phiếu tại các khu vực. Đây cũng là những nơi đại diện cho 380 khu vực chính quyền địa phương tại Anh, Scotland và xứ Wales, Bắc Ireland và Gibraltar. Các điểm bỏ phiếu đã được thành lập ở khắp các nơi, từ nhà thờ, trường học đến cả những khu đặt cối xay gió.
Ủy ban Bầu cử quốc gia ước tính kết quả cuối cùng sẽ có vào khoảng “giờ ăn sáng” của người Anh ngày 24-6. Theo đó, kết quả chính thức có thể được công bố vào khoảng 10 giờ ngày 24-6, giờ Việt Nam.
Cuộc trưng cầu dân ý toàn quốc gần nhất diễn ra 5 năm trước với việc cử tri Anh bỏ phiếu bác bỏ một đề xuất thay đổi cách thức bầu cử nghị sĩ Quốc hội.
Cuộc trưng cầu dân ý lần đầu tiên được tổ chức ở Anh vào năm 1975. Người dân phải trả lời câu hỏi: Nước Anh có nên tiếp tục là thành viên của một tổ chức khi đó gọi là Cộng đồng kinh tế châu Âu?
Trước thềm cuộc bỏ phiếu lịch sử lần này, trong các cuộc thăm dò cuối cùng do Công ty ComRes tiến hành qua điện thoại cho hai đơn vị báo chí là Daily Mail và ITV News, phe ở lại đang thắng thế với 48% cử tri ủng hộ, trong khi phe ra đi chỉ đạt 42%. Số còn lại vẫn chưa quyết định.
Trên lá phiếu, người dân Anh đánh dấu vào một trong hai ô: Ở lại là thành viên của EU/ Rời EU. Ảnh: AP |
Hai cuộc thăm dò khác trên internet đã công bố kết quả ngay trước khi cuộc bỏ phiếu diễn ra. Theo đó, phe ủng hộ ra đi dẫn trước 1-2%.
Các thị trường tài chính thế giới dường như kỳ vọng vào kết quả ở lại. Tại Tokyo, đồng bảng Anh bất chợt tăng vọt lên mức cao nhất trong năm nay khi 1 bảng Anh đổi 1,4844 USD. Trong khi đó, các thị trường chứng khoán tại London, Paris và Frankfurt tăng điểm trong các phiên giao dịch đầu ngày.
Mạng xã hội Twitter cũng rộn ràng với mã chủ đề #ivoted (Tôi bầu chọn) khi nhiều người sau khi bỏ phiếu đã chụp ảnh selfie lá phiếu của mình và tung lên mạng. Không khí rôm rả đến mức nhiều người phàn nàn rằng, có những người vì mải mê selfie mà quên mất là rất nhiều người đã phải xếp hàng dài chờ đến lượt bỏ phiếu.
Tại London, nhà quản lý bất động sản 57 tuổi John Thompson cho biết, ông hy vọng phe ra đi chiến thắng. “Tôi trân trọng quyền tự trị”, ông Thompson nói. Trong khi đó, các lãnh đạo EU cảnh báo người dân Anh sẽ không có cơ hội quay về nếu họ nhất trí bỏ phiếu ra đi. Tại Brussels, nơi đặt trụ sở của EU, giới chức liên minh châu Âu đang thực sự e ngại về hiệu ứng domino nếu kết quả bỏ phiếu nghiêng về phe “Leave”.
Con đường dẫn Anh đến cuộc bỏ phiếu Ngày 27-5-2015: Sau chiến thắng của đảng Bảo thủ trong cuộc bầu cử, dự luật về cuộc trưng cầu dân ý về tư cách thành viên của Anh trong EU đã được công bố trong bài diễn văn của Nữ hoàng Anh, một bước cần thiết để tổ chức cuộc bỏ phiếu lấy ý kiến của người dân. Ngày 17 và 18-12-2015: Các lãnh đạo EU có những cuộc trao đổi thẳng thắn về 4 yêu cầu thương thuyết lại của Anh với liên minh tại một hội nghị thượng đỉnh. Ngày 18 và 19-2-2016: Sau nhiều giờ thương thuyết với các nhà lãnh đạo EU tại Brussels (Bỉ), 17 quốc gia thành viên khác của EU đã chấp nhận ký phê duyệt gói cải cách của ông Cameron. Ông Cameron không nhận được tất cả những yêu sách mong muốn nhưng vẫn hứa sẽ vận động để người Anh ở lại EU. Ngày 20-2-2016: Ông Cameron tuyên bố ngày bỏ phiếu trưng cầu dân ý là 23-6. Ngày 16-6-2016: Bà Jo Cox, nghị sĩ Công đảng, đồng thời là người ủng hộ quan điểm ở lại đã bị bắn và đâm chết. Một người đàn ông 52 tuổi đã bị bắt và buộc tội giết người. Ngày 23-6-2016: Người dân Anh đi bỏ phiếu để trả lời câu hỏi họ muốn nước Anh ra đi hay ở lại EU. Ngày 24-6-2016: Dự kiến công bố kết quả trưng cầu dân ý. |
TRẦN ĐẮC LUÂN