Quốc tế

Người Anh chọn Brexit: Ngày buồn với châu Âu

07:36, 25/06/2016 (GMT+7)

Với 51,9% số phiếu ủng hộ Brexit và 48,1% số phiếu phản đối, người dân Anh đã quyết định đặt dấu chấm hết cho “cuộc hôn nhân” kéo dài 43 năm giữa nước này với Liên minh châu Âu (EU).

Niềm vui của ông Nigel Farage, lãnh đạo đảng Độc lập Anh - người ủng hộ Brexit.                      Ảnh: AFP
Niềm vui của ông Nigel Farage, lãnh đạo đảng Độc lập Anh - người ủng hộ Brexit. Ảnh: AFP

Hơn 380 điểm kiểm phiếu đã lần lượt công bố kết quả vào sáng 24-6. Theo đó, Newscatle là nơi đầu tiên công bố kết quả, với 50,7% ủng hộ ở lại nhưng có tới 49,3% ủng hộ ra đi.

Sự thống nhất của Vương quốc Anh bị đe dọa

Cuối cùng thì người dân Anh đã bày tỏ tâm lý hoài nghi châu Âu bằng lá phiếu của mình. Tuy sự lựa chọn này đã được dự báo nhưng cũng khiến cả thế giới, nhất là EU, choáng váng. AFP cho rằng, kết quả bỏ phiếu gây sốc này đe dọa sự thống nhất của Vương quốc Anh bởi Scotland không muốn rời EU. Thủ đô London và Scotland ủng hộ mạnh mẽ việc ở lại EU nhưng số phiếu ủng hộ giảm mạnh do kết quả ủng hộ không cao tại khu vực phía bắc nước Anh. Trong khi đó, cử tri Anh tại xứ Wales và các quận, huyện khác của Anh ủng hộ tinh thần Brexit với mức độ vượt kỳ vọng.

Ngay sau kết quả bỏ phiếu sơ bộ được công bố với chiến thắng thuộc về phe ra đi, các thị trường tài chính thế giới lập tức phản ứng mạnh. Đồng bảng Anh mất giá mạnh nhất so với đồng USD kể từ năm 1985 tới nay.

Chỉ từ đêm 23-6 đến 11 giờ ngày 24-6, giá vàng thế giới tăng 42,6 USD/ounce, quy đổi tương đương gần 1,15 triệu đồng/lượng, lên mức 1.301 USD/ounce (khoảng 35,09 triệu đồng/lượng).

Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier cho biết, ông tiếc nuối trước quyết định rời EU của người dân Anh và gọi đó là “ngày buồn với châu Âu”. “Các tin tức sáng sớm nay từ Vương quốc Anh thực sự không sáng sủa. Nó giống như một ngày buồn với châu Âu và với Vương quốc Anh”, chính trị gia này chia sẻ trên Twitter.

Lo ngại hiệu ứng domino

Chủ tịch Nghị viện EU Martin Schulz cho biết, ông sẽ thảo luận với Thủ tướng Đức Angela Merkel về cách thức đối phó để tránh xảy ra hiệu ứng domino tại các nước EU khác. Ông Schulz tuyên bố: “Phản ứng dây chuyền mà lúc này những kẻ ngờ vực châu Âu đang cổ vũ khắp nơi sẽ không xảy ra”. Cũng theo ông, EU là thị trường thống nhất lớn nhất thế giới và nước Anh vừa cắt đứt liên lạc với thị trường đó. “Điều này sẽ dẫn tới những hậu quả và tôi không tin các nước khác cũng muốn đi theo vết xe đổ này”, Chủ tịch Nghị viện EU nói. Đề cập kết quả trưng cầu ý dân, ông Schulz bày tỏ: “Tôi không hề sốc. Chúng tôi đã có sự chuẩn bị”.

Trong khi đó, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk nói: “Chúng ta kiên quyết sẽ giữ vững sự đoàn kết của khối với 27 nước… Tôi đề nghị chúng ta sẽ bắt đầu một giai đoạn ngẫm nghĩ sâu hơn về tương lai của liên minh chúng ta”.

Thủ tướng David Cameron từ chức

Hơn một giờ sau khi công bố kết quả chính thức của cuộc trưng cầu dân ý, Thủ tướng Anh David Cameron đã có bài phát biểu tuyên bố từ chức. Thực tế, quyết định từ chức của ông đã được tiên lượng khi những kết quả sơ bộ khẳng định xu thế cầm chắc chiến thắng của phe Brexit.

Nỗi buồn của Thủ tướng Anh David Cameron
Nỗi buồn của Thủ tướng Anh David Cameron

Thủ tướng Cameron nói rằng, nước Anh cần có một nhà lãnh đạo mới khi đảng Bảo thủ của ông tổ chức hội nghị vào tháng 10 tới. Cũng theo ông Cameron, “tân thủ tướng sẽ là người quyết định khi nào chính thức khởi động điều 50 trong Nghị định thư Lisbon để bắt đầu những thủ tục cần thiết của quá trình rời EU”.

Trong những tháng tới, các lãnh đạo Anh và EU sẽ bắt đầu thương thuyết về những điều khoản liên quan việc ra đi của Vương quốc Anh. Việc nước Anh ra đi chắc chắn sẽ tác động tới nền kinh tế Anh, chính sách nhập cư và nhiều vấn đề khác. Tất nhiên cũng sẽ phải mất rất nhiều năm nữa để người dân Anh cũng như người dân EU nhìn ra những hệ quả và cả hậu quả toàn diện của quyết định này.

Kết quả của cuộc trưng cầu dân ý trên thực tế không có sự ràng buộc về mặt luật pháp và về lý thuyết thì vẫn còn vài cách khác để có thể ngăn chặn hay bác bỏ quyết định này. Tuy nhiên, như đài BBC nhận định: “Sẽ là hành động tự sát chính trị nếu đi ngược lại với ý chí của người dân đã được bày tỏ trong cuộc trưng cầu dân ý”.

Điều 50 trong Nghị định về EU đã quy định những thủ tục cụ thể để một quốc gia thành viên có thể rút khỏi liên minh. Theo đó, quốc gia thành viên cần gửi thông báo chính thức tới EU về việc này và EU sẽ thương thuyết với quốc gia đó về các thỏa thuận rời khối.

Kết quả cuộc trưng cầu dân ý vừa qua chưa phải là một thông báo chính thức. Thông báo này có thể sẽ được đệ trình trong vài ngày tới khi các nước EU nhóm họp theo kế hoạch ngày 28 và 29-6, hoặc các nhà lãnh đạo Anh phải chờ đợi vài tháng nữa để có thể chính thức đề đạt yêu cầu.

Sau khi nước Anh đã vận dụng điều 50, họ sẽ có thêm 2 năm để thương thuyết một hiệp định mới nhằm thay thế các điều khoản vốn thuộc quyền hạn của thành viên EU. Chắc chắn các nhà lãnh đạo Anh và EU sẽ phải bàn bạc rất nhiều về các vấn đề như: thuế thương mại, nhập cư và các quy định quản lý liên quan mọi lĩnh vực, từ ô-tô đến nông nghiệp. Một viễn cảnh lạc quan nhất là nước Anh vẫn có thể được quyền tiếp cận thị trường châu Âu không khác gì so với hiện nay. Thực tế, Na Uy không phải là thành viên EU nhưng nước này vẫn chấp nhận tuân thủ một số quy định của EU để được quyền tiếp cận thị trường chung châu Âu.

Hãng Reuters dẫn lời Thủ hiến Scotland, bà Nicola Sturgeon, nói rằng tương lai của Scotland ở trong EU, dù người Anh đã chọn phương án Brexit. Phát biểu của bà Sturgeon làm gia tăng khả năng Scotland sẽ bỏ phiếu đòi độc lập. Song, việc kêu gọi tiến hành một cuộc bỏ phiếu cho một Scotland mới sẽ không nhanh chóng và đơn giản.

TRẦN ĐẮC LUÂN

.