.

Philippines bác đàm phán song phương với Trung Quốc

.

Trong lúc chờ đợi phán quyết của Tòa án trọng tài thường trực quốc tế về vụ kiện Trung Quốc xung quanh những tuyên bố chủ quyền vô căn cứ trên Biển Đông, Philippines đã bác bỏ đàm phán song phương với Bắc Kinh.

Philippines và Trung Quốc tranh chấp bãi cạn Scarborough (Trung Quốc gọi là Hoàng Nham). 	 Ảnh: Inquirer
Philippines và Trung Quốc tranh chấp bãi cạn Scarborough (Trung Quốc gọi là Hoàng Nham). Ảnh: Inquirer

Ngày 10-6, Ngoại trưởng sắp nhậm chức của Philippines Perfecto Yasay nói rằng, Philippines sẽ không theo đuổi đàm phán song phương với Trung Quốc cho đến khi Tòa án trọng tài thường trực quốc tế ở The Hague (Hà Lan) ra phán quyết về vụ Manila kiện Bắc Kinh xung quanh những tuyên bố chủ quyền vô căn cứ trên Biển Đông.

Hãng Reuters cho biết, trả lời phỏng vấn kênh tin tức ABS-CBN, ông Yasay khẳng định: “Chúng tôi không theo đuổi bất kỳ cuộc đàm phán song phương nào vào lúc này cho đến khi chúng tôi nghe phán quyết của tòa án”. Phát biểu này được đưa ra sau khi có lời khuyên từ một cựu Ngoại trưởng Philippines và một chuyên gia an ninh Mỹ đối với Tổng thống mới đắc cử Rodrigo Duterte rằng, ông không nên tổ chức đàm phán song phương vô điều kiện với Trung Quốc trong việc nỗ lực giải quyết tranh chấp trên Biển Đông.

Tuy nhiên, cũng trong ngày 8-6, các chuyên gia Philippines đã thúc giục Tổng thống Duterte bắt đầu đối thoại song phương với Trung Quốc sớm hơn. Họ cho rằng, chính phủ mới không cần chờ đợi quyết định từ Tòa án trọng tài thường trực quốc tế trước khi đàm phán với Trung Quốc.

Trung Quốc đã từ chối tham gia vụ kiện và tuyên bố sẽ bác bỏ phán quyết của tòa, đồng thời muốn giải quyết vấn đề song phương. Song, giới quan sát cho rằng, Bắc Kinh không thể bác bỏ phán quyết, bởi nếu hành động như vậy thì nước này sẽ bị cho là không tôn trọng luật pháp quốc tế. Ngày 8-6, Bắc Kinh chỉ trích Manila phớt lờ đề xuất về cơ chế đàm phán thường xuyên xung quanh các vấn đề hàng hải. Bắc Kinh cũng lặp lại rằng, cường quốc châu Á này vẫn để ngỏ cánh cửa đàm phán song phương với Manila.

Tổng thống Duterte, người sẽ nhậm chức vào ngày 30-6 tới, từng khẳng định sẽ chờ đợi phán quyết của tòa nhưng lại nói rằng, ông sẽ theo đuổi đàm phán song phương với Trung Quốc nếu những nỗ lực hiện tại không có tiến triển.

Mối quan hệ giữa Trung Quốc và Philippines vốn trở nên xấu đi trong 6 năm Tổng thống Benigno Aquino nắm quyền do vấn đề tranh chấp trên Biển Đông. Tháng 1-2013, Philippines đệ đơn kiện Trung Quốc lên Tòa án trọng tài thường trực quốc tế để yêu cầu làm rõ về quyền lợi của Manila theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển.

Philippines là đồng minh của Mỹ. Trong khi đó, Mỹ đang kêu gọi nỗ lực chung nhằm tìm một giải pháp ngoại giao cho tình hình căng thẳng leo thang tại Biển Đông. Tuy nhiên, Trung Quốc chỉ muốn giải quyết tranh chấp giữa các nước có liên quan, chứ không muốn sự can dự của Mỹ. Căng thẳng ở Biển Đông cũng được cho là đã “phủ bóng đen” lên Đối thoại Kinh tế và Chiến lược Trung - Mỹ (S&ED) lần thứ 8 diễn ra tại Bắc Kinh từ ngày 6 đến 7-6 vừa qua.

Trong cuộc gặp gỡ giữa Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Susan Rice với Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishnan tại Nhà Trắng mới đây, hai bên đã thảo luận về các thách thức đang đặt ra như an ninh hàng hải ở Biển Đông. Theo đó, Mỹ vẫn khẳng định cam kết mạnh mẽ tiếp tục đóng vai trò lâu dài tại khu vực châu Á - Thái Bình Dường bằng việc tăng cường các mối quan hệ với các đối tác chủ chốt như Singapore và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), thông qua chiến lược của chính quyền Tổng thống Barack Obama tái cân bằng sang khu vực này. Và tranh chấp trên Biển Đông là vấn đề mà Mỹ đặc biệt quan tâm.

Ngày 10-6, Hàn Quốc và Bộ Chỉ huy Liên Hợp Quốc (UNC) đưa lực lượng truy đuổi các tàu đánh cá của Trung Quốc hoạt động bất hợp pháp tại vùng biển trung lập giữa hai miền Triều Tiên, gần cửa sông Hàn.

Hãng Yonhap cho biết, khu vực nói trên được xác định là giới tuyến giữa hai miền Triều Tiên và không thuộc về bên nào theo hiệp định đình chiến kết thúc Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953. Hiệp định này và các thỏa thuận có liên quan cấm tất cả tàu thuyền của Hàn Quốc và CHDCND Triều Tiên, cũng như của nước ngoài, hoạt động tại đây, trừ các tàu, thuyền được đăng ký chính thức với các ủy ban đình chiến quân sự của Hàn Quốc hoặc CHDCND Triều Tiên.

PHÚC NGUYÊN

;
.
.
.
.
.