.

Scotland quyết tâm ở lại EU

.

Ngày 29-6, phát biểu với báo giới sau cuộc gặp gỡ Chủ tịch Nghị viện châu Âu Martin Schulz ở Brussels (Bỉ), Thủ hiến Scotland Nicola Sturgeon khẳng định vùng lãnh thổ này quyết tâm ở lại Liên minh châu Âu (EU), dù Anh đã bỏ phiếu rời khỏi khối. Bà Sturgeon đến Brussels để trao đổi trực tiếp với các nhà lãnh đạo EU nhằm bảo vệ vị trí của Scotland trong liên minh sau cuộc bỏ phiếu trưng cầu dân ý gây sốc của Anh.

Trong cuộc bỏ phiếu ngày 23-6 vừa qua ở Anh, tỷ lệ ủng hộ Brexit (Anh rời EU) là 51,9%, tỷ lệ ủng hộ ở lại là 48,1%. Song, chỉ có 38% số người Scotland chọn Brexit, trong khi có đến 62% ủng hộ ở lại.

Hãng AFP dẫn nguồn tin của các nhà lãnh đạo EU cho biết, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk đã từ chối gặp gỡ Thủ hiến Scotland. “Bà Sturgeon đã đề nghị gặp gỡ Chủ tịch Tusk nhưng ông Tusk không cho rằng đây là thời điểm phù hợp”, nguồn tin này cho hay. Cũng theo AFP, Scotland sẽ đề xuất một cuộc trưng cầu dân ý độc lập mới. Song, Thủ tướng sắp rời nhiệm sở, ông David Cameron, bác bỏ sáng kiến của bà Sturgeon, nói rằng Scotland từng bỏ phiếu nói “không” với việc ly khai khỏi Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland vào năm 2014. Trong khi đó, bà Sturgeon nhấn mạnh: Tình hình đã thay đổi kể từ năm 2014 và nhiều khả năng sẽ có một cuộc trưng cầu dân ý mới.

Hãng AFP dẫn lời các chuyên gia cho rằng, Scotland có thể ở lại EU nếu trở thành một đất nước độc lập. Trước lúc bà Sturgeon đến Brussels, hàng ngàn nhà hoạt động chiến dịch thân EU đã tuần hành bên ngoài trụ sở Quốc hội Scotland để gửi thông điệp: “Chúng tôi muốn ở lại”.

Gibraltar, một vùng lãnh thổ thuộc Vương quốc Anh, cũng muốn ở lại EU. Gibraltar và Scotland sẽ cử “các chuyên gia kỹ thuật” phối hợp để cùng đánh giá tình hình và tìm giải pháp để ở lại EU.

Về phía đảng Bảo thủ Anh, đảng này vừa bắt đầu cuộc đua tìm người kế nhiệm ông Cameron.

THIÊN BÌNH

;
.
.
.
.
.