.

Thế giới cần nâng cao nhận thức về tình trạng của người tị nạn

.

Ngày 20-6 là “Ngày Tị nạn Thế giới”, ngày lễ quốc tế dành để nâng cao nhận thức về tình trạng của những người tị nạn trên khắp thế giới.

Hình ảnh của UNHCR về Ngày tị nạn thế giới.
Hình ảnh của UNHCR về Ngày tị nạn thế giới.

Mỗi ngày trên thế giới có hàng nghìn người phải rời bỏ nhà cửa, quê hương vì chiến tranh, xung đột và nghèo đói, với hy vọng tìm kiếm một cuộc sống tốt đẹp hơn ở nơi đất khách quê người.

Tuy nhiên, trên hành trình đến với miền đất hứa, nhiều người đã phải bỏ mạng hoặc“vỡ mộng”. Nhiều hoạt động kỷ niệm ngày này đã diễn ra khắp nơi trên thế giới nhằm nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về người tị nạn và di cư.

Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn (UNHCR) ngày 19/6 đã tổ chức “Ngày Tị nạn Thế giới” tại Syria, nơi hàng triệu người đã rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn trong cuộc nội chiến kéo dài gần 6 năm qua.

Phát biểu trước báo giới tại thủ đô Damascus của Syria, đại diện Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn Sajjad Malik nhấn mạnh, Ngày Tị nạn Thế giới được tổ chức nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về người tị nạn và di cư, đồng thời nhấn mạnh thông điệp, người tị nạn cần có các điều kiện sống như những người bình thường.

Theo Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn, cuộc xung đột kéo dài gần 6 năm qua tại Syria đã cướp đi sinh mạng của hơn 270.000 người và khiến hàng triệu người khác phải rời bỏ quê hương, gây ra cuộc khủng hoảng người di cư tồi tệ tại châu Âu.

Nhân ngày này, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon cũng đã bày tỏ quan ngại về những khó khăn mà người tị nạn và di cư đang phải đối mặt, đồng thời kêu gọi: “Cộng đồng thế giới cần làm nhiều hơn nữa để giải quyết các cuộc xung đột và các nguyên nhân dẫn đến những khổ đau mà người di cư và tị nạn đang phải hứng chịu.

Chúng ta cần phải sát cánh với nhau chống lại những hành động như đóng cửa biên giới, sự cố chấp và những hành động tội phạm từ hoạt động buôn người và vận chuyển người bất hợp pháp.

Các trung tâm tạm giữ người tị nạn không phải là câu trả lời. Chúng ta hãy cùng nhau tái định cư cho họ, xây dựng những khung pháp lý phù hợp và giúp người di cư và tị nạn hòa nhập với xã hội sở tại.”

Tại châu Âu, khu vực đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng người di cư hiện nay, nhiều hoạt động kỷ niệm ngày này cũng diễn ra tại nhiều nước. Tại Đức, hàng chục nghìn người hôm qua đã tham gia các cuộc biểu tình ở Đức nhằm lên án chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và các nhóm theo chủ nghĩa dân túy cánh hữu phản đối dòng người di cư cao ở mức kỷ lục.

Các cuộc biểu tình đã bắt đầu từ hôm 18/6 ở Bochum, miền Tây nước Đức và tiếp tục diễn ra trong ngày 19/6 ở Berlin, Leipzig và Munich. Những nhà tổ chức ước tính rằng hơn 33.000 người đã tham gia sự kiện này.

Đức- quốc gia đông dân nhất trong Liên minh châu Âu, năm ngoái đã tiếp nhận hơn 1 triệu người tị nạn và di cư- đã chứng kiến sự gia tăng các cuộc tấn công của những người theo chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và các nhóm chống Hồi giáo cũng như bài ngoại.

Tại Hong Kong, Trung Quốc, nhiều hoạt động kỉ niệm Ngày Tị nạn Thế giới diễn ra trong bối cảnh, đặc khu hành chính này đang có xu hướng thắt chặt kiểm soát dòng người di cư và tị nạn tại đây.

Ước tính, có khoảng 11.000 người đang xin tị nạn tại đặc khu này. Có nhiều người sống tại đây đã 15 năm song họ vẫn không ngừng lo lắng cho cuộc sống của họ và gia đình họ khi sống tại đây khi không được phép làm việc.

Di cư và tị nạn thế giới được xem là một vấn đề mang tính an ninh và xã hội sâu sắc. Theo đánh giá của giới phân tích, để giải quyết có hiệu quả cuộc khủng hoảng di cư và tị nạn hiện nay, các nước trên thế giới, được xem là điểm đến của người di cư, đặc biệt là châu Âu cần thúc đẩy các nỗ lực kinh tế, ngoại giao,… nhằm giúp các nước khu vực bất ổn như Bắc Phi-Trung Đông ổn định tình hình, loại trừ khủng bố, chấm dứt xung đột, lập lại hòa bình.

Chỉ có như vậy mới có thể giải quyết cuộc khủng hoảng di cư hiện nay một cách căn bản, lâu dài, góp phần ổn định tình hình an ninh, kinh tế-xã hội và đời sống nhân dân ở khu vực đầy biến động này.

Theo VOV

;
.
.
.
.
.