Quốc tế
Thổ Nhĩ Kỳ "xuống thang" với Nga
Việc Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan gửi lời xin lỗi tới người đồng cấp Nga Vladimir Putin trong một bức thư xung quanh vụ Ankara bắn hạ máy bay chiến đấu Su-24 được cho là hành động “xuống thang” của Thổ, mở đường hàn gắn quan hệ với Mátxcơva.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan (trái) và Tổng thống Nga Vladimir Putin gặp gỡ tại Điện Kremlin năm 2015. Ảnh: AFP |
Ngày 28-6, ông Dmitry Peskov, người phát ngôn của Tổng thống Vladimir Putin, gọi việc xin lỗi của Thổ Nhĩ Kỳ là một bước “rất quan trọng” nhưng mối quan hệ giữa hai nước sẽ không thể trở lại bình thường trong một vài ngày. Ông Peskov cho biết, Tổng thống Putin sẽ hội đàm qua điện thoại với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan vào ngày 29-6, theo sáng kiến của Mátxcơva. Đây là cuộc hội đàm đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo kể từ khi quan hệ Nga - Thổ bị “đóng băng” sau vụ máy bay Su-24 bị bắn hạ hồi tháng 11 năm ngoái. Hãng AP cũng dẫn lời ông Peskov nói rằng, đây là thời điểm để hàn gắn quan hệ giữa hai nước.
Trước đó, tối 27-6, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim nói rằng, nước này sẵn sàng trả tiền bồi thường cho Nga sau vụ bắn rơi chiến đấu cơ Su-24 tại khu vực biên giới Syria - Thổ. Phát biểu trên mạng truyền hình TRT, ông khẳng định: “Chúng tôi nói rằng nếu cần thiết thì chúng tôi sẵn sàng bồi thường”. Ông còn tuyên bố: Việc bình thường hóa quan hệ giữa Nga và Thổ đã bắt đầu; đồng thời cho biết, thúc đẩy quan hệ với tất cả các nước Biển Đen và Địa Trung Hải là mục tiêu quan trọng. “Nội dung của bức thư đã rõ. Chúng tôi bày tỏ sự hối tiếc của mình và nếu cần thiết thì sẽ bồi thường. Cả hai nước đều mong muốn bình thường hóa quan hệ. Tôi nghĩ rằng, mọi việc đang trở nên tốt hơn...”, ông Yildirim nhấn mạnh.
Tuy nhiên, đến ngày 28-6, ông Yildirim bác bỏ việc bồi thường. “Việc bồi thường cho Nga không nằm trên bàn thương thảo, chúng tôi chỉ bày tỏ sự hối tiếc”, hãng CNN dẫn lời ông Yildirim nói.
Sự bất nhất trong lời nói của Thủ tướng Yildirim diễn ra chỉ sau một ngày có sự đột phá lớn trong khủng hoảng ngoại giao giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ. Điện Kremlin xác nhận Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã xin lỗi về vụ bắn máy bay. Song, các quan chức Thổ lại cho rằng, ông Erdogan đã viết thư cho người đồng cấp Nga để “bày tỏ sự hối tiếc” xung quanh vụ việc hơn là đưa ra một lời xin lỗi công khai.
Khi xảy ra vụ Su-24, Thổ Nhĩ Kỳ đã từ chối xin lỗi, khăng khăng cho rằng họ bắn chiếc Su-24 do máy bay này đi vào không phận của Thổ và phớt lờ các cảnh báo của Ankara. Lúc đó, Nga tức giận, phản pháo mạnh mẽ, cáo buộc hành động của Thổ là “cú đâm sau lưng”, đồng thời áp đặt lệnh cấm vận thương mại với Ankara và tuyên bố sẽ không dỡ bỏ lệnh cấm nếu không nhận được lời xin lỗi. Ngày 15-6, Điện Kremlin cho biết, Nga muốn khôi phục mối quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng phía Ankara phải thực hiện việc bồi thường thiệt hại liên quan đến vụ bắn hạ máy bay. Hiện Điện Kremlin chưa tuyên bố khi nào sẽ ngừng lệnh cấm vận đối với Thổ và chưa rõ mối quan hệ giữa hai nước có triển vọng hàn gắn được hay không.
Theo AP, việc Thổ Nhĩ Kỳ xin lỗi Nga không chỉ là nỗ lực khôi phục kinh tế của đất nước này mà còn nhằm xoa dịu căng thẳng xung quanh cuộc khủng hoảng Syria, khi hai chính phủ ủng hộ hai lực lượng đối lập tại quốc gia Trung Đông này. Nga ủng hộ chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad, còn Thổ ủng hộ lực lượng nổi dậy chống ông Assad.
Hơn nữa, với mối đe dọa của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) và cuộc khủng hoảng nhập cư, Thổ Nhĩ Kỳ cũng muốn tìm kiếm mối quan hệ với các đồng minh khác ở khu vực. Sau 6 năm rạn nứt với Israel, mới đây, Ankara đã bình thường hóa quan hệ với Tel Aviv.
Giới quan sát còn cho rằng, việc Thổ Nhĩ Kỳ liên tiếp hàn gắn quan hệ với 2 nước: Israel và Nga, được cho là nỗ lực của ông Erdogan để lấy lại uy tín và khắc phục sai lầm khi nhà lãnh đạo này vấp phải nhiều sự chỉ trích cả từ trong nước lẫn ngoài nước, do chính sách ngoại giao cứng rắn, độc đoán.
BÌNH YÊN