.

Tổng thống Mỹ thúc giục kiểm soát súng đạn

.

Tổng thống Mỹ Barack Obama thúc giục Quốc hội sớm thông qua các biện pháp kiểm soát súng đạn mạnh tay hơn. Ông tuyên bố, nhất định những tranh cãi liên quan tới vũ khí nóng tại Quốc hội “cần phải thay đổi”.

Tổng thống Barack Obama (trái) và Phó Tổng thống Joe Biden đặt hoa tại khu tưởng niệm các nạn nhân trong vụ thảm sát tại Orlando, bang Florida.                     Ảnh: Reuters
Tổng thống Barack Obama (trái) và Phó Tổng thống Joe Biden đặt hoa tại khu tưởng niệm các nạn nhân trong vụ thảm sát tại Orlando, bang Florida. Ảnh: Reuters

Ngày 16-6 (giờ địa phương), Tổng thống Mỹ Barack Obama và Phó Tổng thống Joe Biden đến thành phố Orlando, bang Florida, để thăm các gia đình có người thân thiệt mạng trong vụ xả súng và gặp gỡ những nạn nhân may mắn sống sót.

“Trái tim chúng tôi như vỡ vụn”'

Bốn ngày đã trôi qua kể từ thời điểm xảy ra vụ xả súng tại hộp đêm Pulse, thành phố Orlando, nhưng không khí vẫn đặc quánh âm hưởng tang tóc. Ông Obama chia sẻ với báo giới: “Tôi nắm tay họ, ôm những thân nhân đau khổ của các nạn nhân và họ đã hỏi tôi rằng tại sao chuyện này vẫn tiếp diễn?”.
Sau cuộc gặp với các gia đình nạn nhân, Tổng thống Mỹ bày tỏ: “Trái tim chúng tôi như vỡ vụn”. Ông tuyên bố, nhất định những tranh cãi liên quan tới vũ khí nóng tại Quốc hội Mỹ “cần phải thay đổi”. Thời gian qua, Quốc hội liên tục từ chối thông qua bất cứ dự luật kiểm soát súng đạn nào bởi lo ngại vi phạm các quyền được quy định trong hiến pháp với những người sở hữu súng.

Một lần nữa ông Obama hối thúc Quốc hội sớm thông qua các biện pháp giúp kiểm soát súng đạn mạnh tay hơn. Ông cũng cho biết đã rất vui khi Thượng viện sẽ tổ chức bỏ phiếu về vấn đề ngăn cản những kẻ bị tình nghi khủng bố được phép mua súng. Dự kiến việc bỏ phiếu sẽ diễn ra trong tuần tới.

Không dung thứ sự kỳ thị Hồi giáo

Trái ngược với những quan điểm của một số chính trị gia cực đoan quy kết nguy cơ khủng bố đến từ làn sóng người nhập cư, đặc biệt là người Hồi giáo, ông Obama cũng như những trợ thủ thân cận khẳng định, nước Mỹ sẽ không dung thứ cho những hành vi kỳ thị người Hồi giáo và đẩy xa vấn đề nhân các vụ tấn công khủng bố xảy ra gần đây. Nếu ai đó còn ngờ vực về luận điểm này, họ cần nhìn lại những gì đã và đang diễn ra không ở đâu xa xôi, mà ngay tại Canada, quốc gia láng giềng với Mỹ.

Trong hai thập niên qua, Canada chỉ có 8 vụ xả súng hàng loạt. Trong khi đó, chỉ tính từ đầu năm tới nay, nước Mỹ có đến 20 vụ xả súng hàng loạt.

Có thể nhiều người cho rằng, Canada có dân số ít hơn Mỹ và các tiêu chí thống kê của mỗi nước có thể khác nhau, nhưng rõ ràng đó là con số ít nhiều cho người ta cảm giác cụ thể về tình hình an ninh mỗi nước.

Nếu ai đó, giống như tỷ phú Donald Trump, bảo rằng người nhập cư Hồi giáo là căn nguyên của những ám ảnh khủng bố, họ sẽ lý giải như thế nào về việc từ tháng 11 năm ngoái đến nay, Canada đã tiếp nhận hơn 27.000 người tị nạn Syria, gấp 10 lần số người tị nạn Mỹ tiếp nhận. Song, Canada vẫn an toàn.
Còn nếu nhìn ở quy mô rộng hơn, theo góc độ tỷ lệ thì người Hồi giáo chiếm 3,2% dân số Canada, trong khi họ chỉ chiếm 1% tổng dân số Mỹ. Nhưng đến nay, Canada chưa từng xảy ra vụ xả súng đẫm máu nào như vụ ở Orlando vừa qua hay vụ ở San Bernardino, bang California hồi tháng 12 năm ngoái.

Vấn đề không phải do chính quyền không thể kiểm soát được người nhập cư, mà thực tế là họ đã không hành động đủ để kiểm soát súng đạn. Hay nói cụ thể hơn, chính quyền chưa có đủ những biện pháp nghiêm khắc, chặt chẽ để ngăn vũ khí nóng lọt vào tay những kẻ có sẵn dòng máu “khủng bố” trong huyết quản.

Trên đây chỉ là một vài số liệu thống kê nhưng nó cũng khiến người ta giật mình bởi tổn thất về người liên quan tới súng đạn ở Mỹ thực sự rùng rợn hơn người ta tưởng. Kể từ năm 1970 đến nay, số người Mỹ thiệt mạng vì súng (tính cả những trường hợp tự tử bằng súng) cao hơn tất cả số người chết trong các cuộc chiến tranh xảy ra trong lịch sử nước Mỹ tính ngược về thời điểm xảy ra cuộc Cách mạng Mỹ (1775-1783).

Cũng tại Mỹ, thống kê số trẻ em từ mầm non đến 4 tuổi bị bắn chết mỗi năm nhiều hơn số cảnh sát tử nạn.

Ngay sát vách nước Mỹ, sở dĩ Canada yên ổn hơn nhiều chính bởi họ đã thực thi các biện pháp khiến những kẻ nguy hiểm với cộng đồng rất khó mua được súng. Chính quyền Canada không cấm triệt để việc sở hữu súng nhưng chú trọng việc đặt giới hạn cho những ai có thể mua vũ khí nóng. Trong khi đó, câu chuyện này ở Mỹ lại có một “phiên bản” khác, nước Mỹ thiếu một hệ thống kiểm soát thông tin nhân thân của người mua súng.

Theo một nghiên cứu mới của Đại học Harvard, khoảng 40% các giao dịch mua bán súng thậm chí vẫn được thực hiện mà chẳng hề có bất cứ thao tác kiểm tra nhân thân của người mua.

Tất nhiên, không ai có thể ngăn cản được triệt để mọi cái chết oan ức vì súng đạn ở Mỹ. Tuy nhiên, nếu thực thi chính sách kiểm soát tốt hơn, nhất là về nhân thân người mua súng, các chuyên gia ước tính có thể giảm được 1/3 số người thiệt mạng vì súng. Điều đó có nghĩa là hơn 10.000 sinh mạng sẽ không bị cướp đi một cách vô lý như trong những vụ ở Orlando vừa qua.

TRẦN ĐẮC LUÂN

;
.
.
.
.
.