Thủ tướng David Cameron ủng hộ nước Anh ở lại EU, nhưng người dân của ông lại quyết dứt áo ra đi. “Cuộc chơi chính trị” bao giờ cũng rất sòng phẳng. Nhưng có lẽ lý do khiến ông Cameron từ chức còn nhiều vấn đề hơn thế.
Hơn một giờ sau khi có kết quả chính thức của cuộc trưng cầu dân ý về việc nước Anh đi hay ở lại EU, Thủ tướng Cameron đã có bài phát biểu nghẹn ngào tuyên bố sẽ từ chức. Ông Cameron nói: “Tôi cho rằng sẽ không đúng nếu tôi tiếp tục dẫn dắt đất nước trong một giai đoạn mới. Đây là quyết định khó khăn nhưng tôi tin nước Anh cần có thời kỳ ổn định và cần người lãnh đạo mới”. Ông cũng cho rằng, nước Anh sẽ cần một thủ tướng mới để có thể xúc tiến những thủ tục cần thiết của việc rời EU. “Trong tương lai, tôi vẫn sẽ làm tất cả những điều có thể để giúp đất nước vốn rất vĩ đại này tiếp tục thành công hơn nữa”, ông Cameron khẳng định.
Thực tế, ông Cameron không hề muốn tổ chức cuộc trưng cầu dân ý ngày 23-6. Tuy nhiên, năm 2014, ông Cameron từng đối mặt với áp lực từ nhóm dân túy trước cuộc khủng hoảng nhập cư và các bức xúc liên quan đến EU. Lúc đó, để xoa dịu những căng thẳng từ ngay chính trong nội bộ đảng Bảo thủ và ngăn chặn đà trỗi dậy của đảng Độc lập Anh (UKIP), ông Cameron hứa sẽ tổ chức cuộc trưng cầu dân ý về việc đi hay ở lại EU nếu đảng Bảo thủ của ông giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2015. Và đảng Bảo thủ đã gây kinh ngạc với các đơn vị chuyên thăm dò dư luận khi họ giành chiến thắng vang dội, có được đa số ghế tại Quốc hội. Cũng theo đó, ông Cameron phải giữ lời hứa của mình.
Tuy nhiên, cá nhân ông Cameron không ủng hộ việc nước Anh rời EU. Ông cũng từng vận động rất quyết liệt cho chiến dịch ở lại.
Song, ông Cameron cũng cho phép các thành viên khác trong chính phủ có thể vận động cho phe Leave (ra đi). Điều này dẫn đến một thực trạng hiếm khi xảy ra trên chính trường Anh suốt nhiều thập niên, đó là việc nhiều thành viên cao cấp trong chính phủ Anh thuộc cùng một đảng lại đứng về hai phía đối lập khi phải bàn về một trong những vấn đề lớn nhất của đất nước. Chiến thắng của phe ra đi rõ ràng sẽ làm suy yếu đáng kể vị thế của ông Cameron trong nội bộ đảng mình. Trước cuộc trưng cầu dân ý, ông từng nói sẽ vẫn tiếp tục tại nhiệm ngay cả khi người dân Anh không ủng hộ quan điểm của ông về vấn đề thành viên EU.
Tuy nhiên, rất khó để ông Cameron có thể giữ vững lập trường ấy. Bởi lẽ, không cần tới sự công kích của đảng đối lập, ngay chính các thành viên đảng Bảo thủ trong Quốc hội cũng muốn loại ông khỏi cương vị thủ tướng sau cuộc trưng cầu dân ý.
Hiện tại, một số đồn đoán của dư luận cho rằng, gương mặt sáng giá nhất có thể thay thế ông Cameron là cựu Thị trưởng London và cũng là một trong những người đi đầu của phong trào kêu gọi Anh rời EU, ông Boris Johnson; sau đó có thể kể đến Bộ trưởng Nội vụ Theresa May và Bộ trưởng Tư pháp Michael Gove.
Song, bất kể tân thủ tướng là ai thì hẳn nhiều người đều tin rằng, người đứng đầu nội các mới sẽ có tư tưởng hoài nghi châu Âu hơn nhiều so với ông Cameron.
Dù sao tuyên bố từ chức của ông Cameron cũng là điều gây bất ngờ và là một tin buồn. Bộ trưởng Quốc phòng Anh Michael Fallon nói: “Tất nhiên đây là một tin buồn. Tôi muốn ông ấy ở lại nhưng đây là quyết định của ông ấy. Và tôi nghĩ đây là một quyết định tử tế”.
DƯƠNG QUANG