Anh chưa có kế hoạch về tiến trình đàm phán với Liên minh châu Âu (EU) xung quanh mối quan hệ trong tương lai giữa xứ sở sương mù này với khối gồm 27 thành viên còn lại.
Nhiều chính khách và người dân Anh vẫn giữ quan điểm ủng hộ Brexit. Ảnh: AFP |
Hãng Reuters dẫn lời, các nhà lãnh đạo EU nói rằng, Anh phải lựa chọn giữa việc hoặc cho phép công dân liên minh đi lại tự do, hoặc nước này phải rời thị trường chung. Dù trong cuộc bỏ phiếu trưng cầu dân ý vào ngày 23-6 vừa qua, người dân đã lựa chọn rời “mái nhà chung” nhưng đến nay, Anh vẫn chưa kích hoạt Điều 50 Hiệp ước Lisbon để chính thức bắt đầu tiến trình rời EU. Khi Anh kích hoạt Điều 50 thì sẽ mất 2 năm để đàm phán.
Song, theo Ngoại trưởng Anh Philip Hammond, nhà lãnh đạo kế nhiệm Thủ tướng David Cameron sẽ phải đạt được sự thỏa hiệp giữa việc tiếp tục tiếp cận thị trường chung châu Âu và việc giới hạn tự do đi lại.
Ngày 4-7, Công ty luật Mishcon de Reya nói rằng, công ty này đã khởi động hành động pháp lý để yêu cầu chính phủ Anh phải có sự phê chuẩn của Quốc hội trước khi kích hoạt tiến trình “ly dị” với EU. Song, trước lúc cuộc bỏ phiếu trưng cầu dân ý diễn ra, hầu hết trong số 650 nghị sĩ Hạ viện Anh phản đối Brexit. “Bản thân kết quả của cuộc trưng cầu dân ý không mang tính ràng buộc về mặt pháp lý và việc Thủ tướng đương nhiệm hoặc Thủ tướng tương lai sẽ kích hoạt Điều 50 mà không cần Quốc hội phê chuẩn là trái pháp luật”, tuyên bố của Kasra Nouroozi, một đối tác của Mishcon de Reya nêu rõ.
Cựu Thị trưởng London Boris Johnson - thủ lĩnh phe Brexit, lên tiếng chỉ trích chính phủ Anh không đưa ra kế hoạch khả thi nào để kích hoạt tiến trình rời EU. Trong tuyên bố đăng trên tờ Daily Telegraph, ông Johnson cho rằng, chính phủ Anh đã không chuẩn bị đầy đủ các kịch bản có thể xảy ra sau cuộc trưng cầu dân ý, nhất là khi phe Brexit giành chiến thắng. Tuần trước, ông Johnson gây sốc khi nói rằng sẽ không chạy đua chức thủ tướng, mặc dù ông là ứng viên sáng giá.
Tuần này, đảng Bảo thủ sẽ bắt đầu tiến trình lựa chọn ứng viên kế nhiệm Thủ tướng David Cameron. Trước đó, ông Cameron khẳng định sẽ từ chức để người kế nhiệm thực hiện trọng trách dẫn dắt nước Anh ra khỏi EU. Trong số các ứng viên có Bộ trưởng Nội vụ Theresa May, được cho là có đường lối thực tế để đạt được thỏa thuận rời EU tốt nhất cho nước Anh. Song, bà May phải cạnh tranh cùng 4 ứng viên khác, trong đó có Bộ trưởng Tư pháp Michael Gove, đại diện phe chủ trương Brexit.
Bà May cam kết, nếu giành chiến thắng thì bà sẽ thúc đẩy một thỏa thuận thương mại mới với EU để hạn chế người nhập cư. Tuy nhiên, Thủ tướng Đức Angela Merkel khẳng định bất kỳ thỏa thuận thương mại tự do nào cũng bao gồm việc tự do đi lại.
Trong lúc đó, ông Nigel Farage, người chủ trương phản đối EU, đã từ chức Chủ tịch đảng Độc lập Vương quốc Anh (UKIP). Động thái này càng tạo ra lỗ hổng trong bối cảnh Anh rơi vào hỗn loạn về chính trị. “Tôi quyết định từ chức lãnh đạo UKIP. Chiến thắng của phe “Rời đi” trong cuộc trưng cầu dân ý có nghĩa là tham vọng chính trị của tôi đã đạt được”, ông Farage nói trong cuộc họp báo ở London. Theo vị chính khách 52 tuổi này, bất kỳ ai được chọn để lãnh đạo đất nước cũng nên là “một thủ tướng Brexit”.
Kể từ sau cuộc bỏ phiếu ngày 23-6 đến nay, nhiều câu hỏi được đặt ra, như tương lai của Anh sẽ như thế nào và EU sẽ ra sao khi đối mặt với áp lực cải cách. Theo nữ phát ngôn viên của Thủ tướng Cameron, tương lai của những công dân EU đang sống ở Anh sẽ phụ thuộc vào các cuộc đàm phán Brexit và nhà lãnh đạo mới của Anh, cùng mối quan hệ giữa London với liên minh.
Về việc cải cách EU, Bộ trưởng Tài chính Liên bang Đức Wolfgang Schauble cho rằng, khối gồm 27 thành viên còn lại cần thể hiện khả năng nhanh chóng giải quyết một số vấn đề trọng tâm để thuyết phục và lấy lại niềm tin của người dân.
PHÚC NGUYÊN