Quốc tế

ASEAN lên án hành động của Trung Quốc ở Biển Đông

08:26, 26/07/2016 (GMT+7)

Tuyên bố chung của các Bộ trưởng Ngoại giao Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ngày 25-7 chỉ trích hành động bồi lấp và cải tạo trái phép của Trung Quốc ở Biển Đông.

Đoàn Việt Nam do Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh làm trưởng đoàn tham dự Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 49 và các hội nghị liên quan. 						  Ảnh: TTXVN
Đoàn Việt Nam do Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh làm trưởng đoàn tham dự Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 49 và các hội nghị liên quan. Ảnh: TTXVN

TTXVN cho biết, trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 49 (AMM 49) diễn ra tại Lào, các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN đã ra Tuyên bố chung AMM 49. Tuyên bố nêu rõ: ASEAN “tiếp tục lo ngại về những diễn biến hiện tại và gần đây” ở Biển Đông. “Những hành động này đang làm xói mòn lòng tin, gia tăng căng thẳng, đe dọa hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực”, tuyên bố cho biết.

Tuyên bố khẳng định tầm quan trọng việc duy trì và thúc đẩy hòa bình, an ninh, ổn định, an toàn, tự do hàng hải và hàng không qua khu vực trên Biển Đông. Tuyên bố cũng tái khẳng định sự cần thiết tăng cường sự tin tưởng lẫn nhau, kiềm chế các hành động có thể làm phức tạp thêm tình hình và theo đuổi các giải pháp hòa bình cho những tranh chấp theo luật pháp quốc tế, bao gồm cả Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.

Tuyên bố nhấn mạnh tầm quan trọng của việc không quân sự hóa và kiềm chế tiến hành tất cả các hoạt động, bao gồm việc thay đổi hiện trạng mà có thể gây phức tạp tình hình và làm leo thang căng thẳng tại Biển Đông.

Tuyên bố đề cập tầm quan trọng của việc thực thi đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), trong khi nhấn mạnh việc thúc giục các bên làm việc hiệu quả và sớm thông qua Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), bao gồm cả việc tăng cường các cuộc gặp thường xuyên của các quan chức ASEAN và Trung Quốc cùng cuộc gặp của Nhóm làm việc chung về việc thực hiện DOC.

Tuy nhiên, tuyên bố không đề cập đến phán quyết của Tòa trọng tài thường trực quốc tế (PCA) có trụ sở ở The Hague (Hà Lan) hôm 12-7 vừa qua. Phán quyết của PCA cho rằng, yêu sách “đường chín đoạn” của Trung Quốc trên Biển Đông là không có cơ sở.

Phát biểu tại cuộc họp báo ở Vientiane chiều 25-7, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị cho biết, trong cuộc họp song phương với ASEAN, hai bên đã thảo luận 80% về hợp tác và 20% về Biển Đông.

Theo đó, Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN và Trung Quốc tái khẳng định cam kết thực thi đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông và tự do đi lại trên không cũng như trên biển tại khu vực này. Trung Quốc và ASEAN nhất trí “tự kiềm chế”, không có hành động làm phức tạp hoặc leo thang căng thẳng trên Biển Đông, bao gồm kiềm chế “hoạt động sinh sống” trên các đảo, đá ngầm, bãi cạn và các thực thể khác không có người ở trong khu vực.

Trung Quốc cũng công khai cảm ơn Campuchia vì đã ủng hộ lập trường của Bắc Kinh về tranh chấp trên biển - một lập trường gây không ít xáo trộn tại AMM 49.

Theo báo Japan Times, cựu Tổng thống Philippines Fidel Ramos nhận lời dẫn đoàn đàm phán của Philippines tới Trung Quốc tham gia cuộc đàm phán song phương giữa hai nước về những tranh chấp ở Biển Đông sau khi ông có cuộc gặp với Tổng thống Rodrigo Duterte tại thành phố Davo tối 23-7.

Là người được biết đến rộng rãi trong khu vực, ông Ramos được xem là người có kinh nghiệm dày dặn trong việc xử trí các vấn đề ở Biển Đông.

Trong thời gian tại nhiệm từ năm 1992-1998, ông Ramos chính là người đã giải quyết mâu thuẫn giữa Manila và Bắc Kinh khi năm 1995 Trung Quốc chiếm đóng đá Vành Khăn.

B.T tổng hợp

.