Thủ tướng Bangladesh Sheikh Hasina lên án hành động tàn ác của những kẻ đã gây ra vụ tấn công ở thủ đô Dhaka ngày 1-7, đồng thời khẳng định quốc gia này kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa khủng bố dưới mọi hình thức.
Lực lượng an ninh bảo vệ nghiêm ngặt khu vực ngoại giao ở trung tâm Bangladesh sau khi vụ tấn công xảy ra. Ảnh: AP |
Bangladesh tổ chức quốc tang từ ngày 3 đến 4-7 để tưởng niệm 20 con tin thiệt mạng. Vụ việc xảy ra tại nhà hàng Holey Artisan Bakery ở khu đoàn ngoại giao Gulshan, thuộc thủ đô Dhaka vào tối 1-7, nơi nhiều thực khách nước ngoài thường đến. Khoảng 7 người có vũ trang đã xông vào nhà hàng và bắt cóc các con tin.
Cảnh sát và lực lượng lính đặc nhiệm đã được điều động tham gia chiến dịch giải cứu con tin. Sau những nỗ lực thương thuyết kéo dài suốt 10 tiếng đồng hồ không thành, cảnh sát cùng đặc nhiệm quyết định tấn công vào nhà hàng. Lực lượng đặc nhiệm đã giải thoát 13 con tin, tiêu diệt 6 kẻ khủng bố và bắt sống 1 tên. Song, trước lúc bị tiêu diệt, các tay súng đã sát hại 20 con tin.
Vụ tấn công tàn bạo và hèn nhát
Hãng AP dẫn nguồn tin từ Bộ Ngoại giao Ý cho biết, trong số 20 con tin nói trên có 9 công dân Ý. Một công dân Ý cũng có mặt tại nhà hàng vào thời điểm xảy ra vụ tấn công nhưng đến nay chưa có tin tức của người này. Nhà Trắng xác nhận có 1 nạn nhân là người Mỹ. Trong khi đó, theo Chánh văn phòng nội các Nhật Bản Yoshihide Suga, có 7 công dân nước này bị các tay súng sát hại, đây là các chuyên gia tư vấn tham gia dự án viện trợ của chính phủ Tokyo ở thủ đô Dhaka. Ngoài ra, còn có các nạn nhân là người Ấn Độ và Bangladesh.
Phát biểu trên đài truyền hình quốc gia, Thủ tướng Bangladesh Sheikh Hasina khẳng định nước bà kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa khủng bố dưới mọi hình thức; đồng thời lên án hành động tàn ác của những kẻ gây ra vụ tấn công và kêu gọi người dân đoàn kết chống khủng bố. Nhà lãnh đạo này nói rằng, Hồi giáo là một tôn giáo hòa bình và không nên làm ảnh hưởng tới tôn giáo này bằng những hành động gây thù hận, sát hại người dân vô tội.
Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ra tuyên bố chỉ trích mạnh mẽ “vụ tấn công tàn bạo và hèn nhát”. Tuyên bố nêu rõ: Chủ nghĩa khủng bố trở thành “một trong những mối đe dọa nghiêm trọng hòa bình và an ninh quốc tế”. Thông qua người phát ngôn của mình, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon cũng tuyên bố lên án vụ tấn công, đồng thời bày tỏ hy vọng sẽ xác định và đưa ra công lý những kẻ đứng sau vụ việc.
Các tay súng là người Bangladesh?
Hãng Reuters dẫn lời các quan chức chống khủng bố và các chuyên gia an ninh Bangladesh cho rằng, quốc gia Nam Á này đang điều tra mối quan hệ giữa các tay súng thực hiện vụ tấn công với các nhóm Hồi giáo cực đoan xuyên quốc gia như Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) hoặc Al-Qaeda. Trước đó, đối với tình trạng bạo lực xảy ra ở Bangladesh, chính phủ đổ lỗi cho hai nhóm ở trong nước. Song, những nhóm này thường tấn công các cá nhân, hầu hết dùng dao, chứ không có sự phối hợp gây ra vụ thảm sát như vậy. Các quan chức nhận định: Vụ việc vừa xảy ra là một cấp độ mới về quy mô tấn công. “Chúng tôi không thể ngay lập tức xác định nhóm nào đứng sau vụ này. Nhưng chúng là những kẻ khủng bố được huấn luyện kỹ”, Chuẩn tướng Naeem Ashfaq Choudhuri, Tổng chỉ huy hoạt động quân đội Bangladesh nói.
IS đã nhận trách nhiệm. Trên trang web của mình, IS đăng tải hình ảnh 5 tay súng đứng phía trước một lá cờ đen và được cho là liên quan đến vụ tấn công.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Nội vụ Bangladesh Asaduzzaman Khan cho rằng, cả IS lẫn Al-Qaeda đều không liên quan, kẻ đứng sau vụ việc là các chiến binh ở chính đất nước Bangladesh. “Vụ này do JMB (Jamaat-ul-Mujahideen) thực hiện”.
Theo Reuters, quốc gia Hồi giáo Bangladesh gồm 160 triệu người luôn khẳng định không có tay súng nước ngoài nào trên mảnh đất này dù một số chuyên gia an ninh phương Tây vẫn hoài nghi về điều đó. Theo Cảnh sát trưởng quốc gia Shahidul Hoque, tất cả các tay súng trong vụ tấn công vào đêm 1-7 đều là người Bangladesh. Cảnh sát cũng đã công bố ảnh của 5 kẻ tấn công, với những cái tên: Akash, Badhon, Bikash, Don và Ripon. Bộ trưởng Nội vụ Asaduzzaman Khan nói rằng, những kẻ tấn công đều xuất thân từ các gia đình giàu và có học thức. Song, chưa rõ những kẻ này có thuộc 2 phong trào chiến binh trong nước: Ansar-al-Islam và Jamaat-ul-Mujahideen, vốn liên quan đến những vụ tấn công trong những tháng gần đây. Ansar-al-Islam cam kết trung thành với Al-Qaeda, còn Jamaat-ul-Mujahideen tuyên bố đại diện cho IS tại Bangladesh.
BÌNH YÊN