Nhân sự kiện Ngoại trưởng các quốc gia Đông Nam Á sẽ nhóm họp tại thủ đô Vientiane, Lào, cùng những người đồng cấp đến từ Mỹ và Trung Quốc, tờ The Wall Street Journal ngày 21/7 có bài viết cho rằng sự kiện sắp tới sẽ biến quốc gia bé nhỏ này trở thành "chiến trường ngoại giao" tiếp theo cho cuộc đối đầu ngày càng gay gắt xung quanh vấn đề Biển Đông.
Các trưởng đoàn tại Hội nghị hẹp Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN tháng 2/2016. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN) |
Đây sẽ là hội nghị khu vực đầu tiên kể từ khi Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ở La Hay (Hà Lan) ngày 12/7 ra phán quyết bác bỏ những tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc đối với hầu hết Biển Đông cũng như việc nước này xây dựng trái phép các hòn đảo nhân tạo.
Vụ trưởng Vụ Hợp tác liên khu vực của Bộ Ngoại giao Indonesia, ông Derry Aman, cho biết Jakarta sẽ hối thúc hội nghị thảo luận về vấn đề Biển Đông, và đề cập đến khu vực đang tranh chấp này trong tuyên bố kết thúc hội nghị. Với ý ám chỉ tới hội nghị tại Campuchia hồi năm 2012, ông nói: "Chúng tôi sẽ phải tránh lại rơi vào tình huống như vậy."
Trung Quốc không đóng vai trò chính thức nào tại các cuộc thảo luận đầu tiên của ASEAN vào cuối tuần này, song trong sáng 25/7, họ sẽ có cuộc gặp với cả khối ASEAN, cùng với các đại diện đến từ Mỹ, Liên minh châu Âu, Ấn Độ, Nhật Bản và một số nước khác.
Một nhân vật thạo tin liên quan đến ASEAN cho biết một số nhà ngoại giao đặt nhiều hy vọng vào cuộc gặp này, đặc biệt mong đợi sẽ có một tuyên bố "chưa từng có" về tình hình địa chính trị khu vực trong bối cảnh hậu phán quyết của Tòa Trọng tài.
Tuy nhiên, một số chuyên gia khu vực lại tỏ ra hoài nghi về điều này.
Ông Ian Storey, chuyên gia về Đông Nam Á thuộc Viện Yusof Ishak ở Singapore, đánh giá ASEAN có thể đề cập "một cách mơ hồ" về phán quyết của Tòa Trọng tài trong tuyên bố cuối cùng. Ông cũng nói rằng không nên hy vọng ASEAN sẽ đưa ra "những hướng giải quyết mới".
Theo Vietnam+