Quốc tế
Bảo vệ an ninh môi trường Biển Đông: ASEAN cần đồng thuận
Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 49 (AMM49) và các hội nghị liên quan diễn ra tại Lào trong tuần này được xem là cơ hội để ASEAN đoàn kết đưa ra tuyên bố liên quan đến phán quyết của Tòa trọng tài thường trực quốc tế, cam kết xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), tôn trọng luật pháp quốc tế, áp dụng các biện pháp hòa bình giải quyết xung đột và bảo vệ môi trường biển.
Bức ảnh vệ tinh do CSIS công bố cho thấy Trung Quốc nạo vét, xây dựng trái phép trên bãi Đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh: CSIS |
AMM49 và các hội nghị liên quan được tổ chức từ ngày 21 đến 26-7 tại thủ đô Vientiane của Lào. Sự kiện này diễn ra sau khi Tòa trọng tài thường trực quốc tế (PCA) ra phán quyết về vụ kiện của Philippines đối với tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông.
Trước thềm AMM49, trang tin Geopoliticalmonitor chuyên phân tích, bình luận về các vấn đề chính trị, quân sự đã đăng bài phân tích cho rằng, trong lúc này, ASEAN cần đạt sự đồng thuận về vấn đề an ninh môi trường tại Biển Đông.
Theo bài viết nói trên, đúng như dự đoán của giới học giả và các nhà hoạch định chính sách, Philippines đã giành được chiến thắng pháp lý mang tính bước ngoặt trong vụ kiện Trung Quốc về yêu sách “đường chín đoạn” tại Biển Đông.
Xây dựng lòng tin và tránh xung đột
Nhiều câu hỏi được đặt ra rằng Trung Quốc sẽ làm gì tiếp theo và ASEAN cần phản ứng như thế nào. Điều này sẽ được làm rõ trong dịp AMM49 và các hội nghị liên quan. Phán quyết của PCA cung cấp cho AMM49 và các hội nghị liên quan cơ sở để thảo luận các biện pháp giải quyết xung đột.
Ông Greg Poling, Giám đốc chương trình Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á cho rằng, Trung Quốc liên tục tuyên bố không công nhận phán quyết của PCA nhưng họ đã rất vất vả vận động kể từ khi Manila kiện Bắc Kinh ra tòa với hy vọng Philippines sẽ từ bỏ vụ kiện. Trung Quốc sẽ mất uy tín nếu bị xem là coi thường pháp luật quốc tế, nhất là trong bối cảnh nước này đang cố gắng xây dựng hình ảnh là “cường quốc mới nổi có trách nhiệm và sẵn sàng tham gia quản trị toàn cầu”.
Các cuộc họp của ASEAN tại Lào là cơ hội để ASEAN đoàn kết đưa ra tuyên bố liên quan đến phán quyết của PCA, cam kết xây dựng COC, tôn trọng luật pháp quốc tế, áp dụng các biện pháp hòa bình giải quyết xung đột và bảo vệ môi trường biển. Các nhà khoa học biển từ các nước trên thế giới, trong đó có ASEAN, đều cho rằng do sự phát triển của dân số và kinh tế, vấn đề an ninh lương thực sẽ hiện hữu nếu các mối đe dọa môi trường biển không được giải quyết.
Biển Đông đóng vai trò quan trọng giúp ASEAN kết nối với các nền kinh tế toàn cầu, chứa đựng các tuyến đường biển huyết mạch. Đây cũng là nơi diễn ra các vụ va chạm tàu cá nguy hiểm... Do đó, các nhà lãnh đạo ASEAN nên nhân dịp này thảo luận các biện pháp giúp làm giảm căng thẳng và các vụ va chạm tàu cá.
Để có thể tìm “mẫu số chung”, ASEAN nên tăng cường hợp tác khoa học giữa các nhà khoa học biển trong ASEAN; tạo thuận lợi cho các nhà khoa học tự do điều tra khoa học về các vấn đề liên quan đến các đá, đảo nhân tạo; tăng cường các hoạt động chung giữa các hội nghề cá ASEAN; đổi mới hoạt động của Viện Hòa bình hòa giải ASEAN (APIR); thiết lập ủy ban khoa học biển khu vực để giải quyết các vấn đề suy giảm môi trường; thúc đẩy đối thoại nhằm xây dựng công viên hòa bình biển; xây dựng ủy ban khoa học nghiên cứu mô hình hiệp định Nam cực để áp dụng tại Biển Đông.
ASEAN cũng cần nhận thức rõ về tầm quan trọng của các nguồn thủy hải sản đối với vấn đề an ninh lương thực trong khu vực và rằng Trung Quốc hiện là nước sản xuất, xuất khẩu thủy sản lớn nhất thế giới. Do đó, Trung Quốc cần có trách nhiệm cùng ASEAN thực hiện các hoạt động khai thác thủy sản bền vững.
Để bảo vệ các nguồn lợi thủy sản còn lại tại Biển Đông, ASEAN, nhất là các nước như Brunei, Malaysia, Philippines và Việt Nam, cần đoàn kết đưa ra đề xuất xây dựng công viên hòa bình quốc tế hoặc ít nhất là xây dựng các khu vực bảo tồn biển tại Biển Đông. Đây nên là bước đi đầu tiên để xây dựng lòng tin và tránh xung đột.
Mỹ tiếp tục tuần tra ở Biển Đông
Ngày 20-7, trong chuyến thăm căn cứ hải quân Trung Quốc, Đô đốc hải quân Mỹ John Richardson khẳng định quân đội nước ông tiếp tục tuần tra Biển Đông trong giới hạn luật pháp quốc tế cho phép. Theo đó, ông Richardson nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tuần tra an toàn, đúng luật trên Biển Đông và các hoạt động hải quân chuyên biệt khác. “Hải quân Mỹ vẫn đều đặn tuần tra theo luật pháp quốc tế, trên các vùng biển khắp thế giới, kể cả Biển Đông để bảo đảm quyền lợi, tự do và sử dụng hợp pháp hải phận, không phận của tất cả các bên. Điều này không bao giờ thay đổi”, Đô đốc Richardson nói. Cam kết của Mỹ được đưa ra trong lúc Trung Quốc tiếp tục gây sức ép đối với Philippines sau phán quyết của PCA.
Trong một diễn biến liên quan, cũng trong ngày 20-7, phát biểu trong chuyến công du Úc, Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden nhấn mạnh rằng, dù ai làm Tổng thống Mỹ nhiệm kỳ tới thì Washington vẫn tiếp tục theo đuổi chiến lược xoay trục sang châu Á - Thái Bình Dương. “Mỹ đã duy trì và sẽ duy trì sự tập trung mạnh mẽ vào tương lai của khu vực châu Á - Thái Bình Dương”, ông Biden nói.
B.T tổng hợp