.
Cuộc đảo chính bất thành ở Thổ Nhĩ Kỳ

Tổng thống Erdogan củng cố quyền lực

.

Cuộc đảo chính bất thành vào đêm 15-7 vô hình trung củng cố quyền lực của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan khi ông có thể thắt chặt kiểm soát đất nước.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan (giữa) tham dự lễ tưởng niệm những người thiệt mạng trong cuộc đảo chính ở Istanbul. 		        Ảnh: AFP
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan (giữa) tham dự lễ tưởng niệm những người thiệt mạng trong cuộc đảo chính ở Istanbul. Ảnh: AFP

Khi cuộc đảo chính quân sự diễn ra, người ta nghĩ, chiếc ghế quyền lực của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan sẽ lung lay khi ông và quân đội vốn đối đầu nhau trong nhiều năm qua. Song, những người ủng hộ Tổng thống đã tràn xuống đường phố hai thành phố lớn là Ankara và Istanbul, theo lời kêu gọi của ông trên đài truyền hình quốc gia thông qua kết nối FaceTime, để chống lại cuộc đảo chính quân sự được cho là mối đe dọa lớn nhất đối với nhà lãnh đạo này trong 13 năm nắm quyền. Thành ra, giới quan sát cho rằng, thay vì thất bại, ông Erdogan dường như càng củng cố quyền lực và sẽ mạnh hơn, bởi những người chống ông trong quân đội và cơ quan tư pháp hầu như bị “thanh trừng”. Thậm chí, Bayram Balci, một chuyên gia Thổ Nhĩ Kỳ ở Paris (Pháp), gọi cuộc đảo chính không gì hơn là “món quà từ trên trời” dành cho ông Erdogan.

Tuy nhiên, theo AFP, ông Erdogan vẫn đối mặt với những trở ngại, đáng chú ý là việc thực thi tham vọng thay đổi hiến pháp để tạo ra một thể chế, trong đó tổng thống được trao quyền nhiều hơn. Tham vọng này khiến ông bị chỉ trích.

Tổng thống Erdogan vốn gọi cuộc đảo chính với hơn 300 người chết là nỗ lực lớn nhằm lật đổ ông và người đứng sau vụ việc này là giáo sĩ Fethullah Gulen, hiện sống tại bang Pennsylvania (Mỹ). 26 tướng lĩnh cấp cao của Thổ Nhĩ Kỳ đang bị tạm giam để điều tra, trong đó có cựu Tư lệnh Không quân Akin Ozturk. Họ bị cáo buộc chống lại hiến pháp, dẫn đầu một nhóm vũ trang và tìm cách ám sát Tổng thống. Một số báo chí Thổ gọi ông Ozturk là chủ mưu của cuộc đảo chính. 26 tướng lĩnh này sẽ ra tòa nhưng chưa rõ vào thời điểm nào.

Trong một tuyên bố gửi đến các công tố viên, ông Ozturk bác bỏ việc ông là thủ lĩnh của đảo chính. “Tôi không phải là người lên kế hoạch hoặc lãnh đạo cuộc đảo chính. Ai đã lên kế hoạch và đạo diễn nó thì tôi không biết”, hãng thông tấn nhà nước Anadolu dẫn lời ông Ozturk nói.

Với việc giới chức Thổ tiến hành cuộc trấn áp quy mô lớn, bắt giữ tổng cộng hơn 7.500 người, sa thải gần 9.000 quan chức và nhân viên, trong đó có gần 8.000 cảnh sát, các đồng minh của Thổ ở Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương thúc giục Ankara tôn trọng pháp luật.

Giờ đây, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim cảnh báo chống lại sự trả đũa từ phía những người ủng hộ cuộc đảo chính bất thành trong lúc Ankara bắt giữ hàng trăm tướng lĩnh. Thủ tướng Binali Yildirim nói: “Đừng ai nghĩ đến việc trả thù. Đó là điều không thể chấp nhận được trong một quốc gia được điều hành bằng luật pháp”.

Thổ Nhĩ Kỳ đã gây áp lực với Mỹ để Washington dẫn độ giáo sĩ Gulen về nước và chịu sự xét xử. Song, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nói rằng, ông muốn Ankara phải đưa ra bằng chứng chứ không đơn thuần là những lời cáo buộc. AFP dẫn lời Thủ tướng Yildirim cho biết, Thổ đã gửi 4 hồ sơ sang Mỹ xung quanh cáo buộc ông Gulen liên quan cuộc đảo chính.

Điều gây chú ý là Tổng thống Erdogan nói rằng, nước ông có thể đưa án tử hình trở lại hệ thống thực thi pháp luật và dành mức án này cho những kẻ có âm mưu đảo chính, mặc dù Ankara đã bãi bỏ hình phạt này từ năm 2004 để đáp ứng đủ tiêu chuẩn gia nhập EU. Phát biểu trên truyền hình CNN, ông Erdogan cho biết, ông sẽ chấp nhận bất kỳ quyết định nào của Quốc hội trong việc đưa án tử hình trở lại. Theo kế hoạch, ngày 20-7, ông Erdogan có cuộc họp với Hội đồng An ninh quốc gia. Tuy nhiên, EU cảnh báo về những hệ lụy từ động thái này. Cao ủy phụ trách đối ngoại EU Federica Mogherini cho rằng, các cuộc đàm phán để xem xét việc Thổ gia nhập liên minh sẽ kết thúc nếu Ankara khôi phục án tử hình.

PHÚC NGUYÊN

;
.
.
.
.
.