Trợ lý Ngoại trưởng Trung Quốc Khổng Huyễn Hựu cho rằng, vấn đề Biển Đông không có trong chương trình nghị sự và không nên được bàn thảo tại Hội nghị thượng đỉnh Á - Âu diễn ra ở Mông Cổ vào cuối tuần này.
Trung Quốc bắn tên lửa trong cuộc tập trận trên Biển Đông. Ảnh: AP |
Hãng Reuters cho biết, Hội nghị Á - Âu (còn gọi là ASEM) là cuộc nhóm họp ngoại giao đa phương quan trọng đầu tiên sau khi Tòa án trọng tài thường trực quốc tế (PCA) ở The Hague (Hà Lan) ra phán quyết về vụ Philippines kiện Trung Quốc xung quanh tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông, vốn được Manila khởi xướng cách đây 3 năm. Hội nghị lần này có sự tham dự của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Thủ tướng Đức Angela Merkel.
Hãng Reuters dẫn lời trợ lý Ngoại trưởng Trung Quốc Khổng Huyễn Hựu cho rằng, vấn đề Biển Đông không được hoan nghênh tại ASEM. Bởi lẽ, sự kiện diễn ra 2 năm/lần này thường bàn thảo về những vấn đề giữa châu Á và châu Âu. “ASEM không phải là nơi thích hợp để bàn về vấn đề Biển Đông. Không có kế hoạch thảo luận về vấn đề này trong chương trình nghị sự”, ông Khổng Huyễn Hựu phát biểu trong cuộc họp báo tại Bắc Kinh.
Tuy nhiên, các nhà ngoại giao ở Bắc Kinh có liên quan đến việc chuẩn bị cho ASEM cho rằng, không thể tránh khỏi vấn đề tranh chấp trên Biển Đông sẽ được đề cập tại hội nghị.
Căng thẳng gia tăng trước giờ PCA ra phán quyết, trong đó không loại trừ trường hợp Trung Quốc sẽ không công nhận hoặc không tuân thủ phán quyết. PCA dự kiến ra phán quyết vào hôm nay (12-7). Bắc Kinh cũng khẳng định đàm phán song phương giữa nước này với các nước liên quan là giải pháp duy nhất để giải quyết tranh chấp. Vì vậy, việc Philippines khởi kiện Trung Quốc là vụ kiện đặc biệt quan trọng bởi nó không chỉ liên quan trực tiếp đến hai bên là Manila và Bắc Kinh, mà còn liên quan đến các nước khác, trong đó có Mỹ.
Trung Quốc cho rằng, PCA không có thẩm quyền xét xử và Bắc Kinh không thể bị bắt buộc chấp nhận phán quyết. Không những thế, Trung Quốc cũng lại đổ lỗi cho Mỹ đã khuấy động bất ổn ở Biển Đông, nơi Bắc Kinh đang có tranh chấp chủ quyền với các nước: Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei và Đài Loan. Mỹ đã tiến hành các hoạt động tuần tra để bảo đảm tự do hàng hải ở gần khu vực các đảo mà Trung Quốc chiếm giữ trái phép. Điều này làm Bắc Kinh tức giận và có những động thái thúc đẩy sự hiện diện quân sự tại khu vực này. Theo ông Khổng Huyễn Hựu, căng thẳng gia tăng ở Biển Đông là do các nước bên ngoài khu vực can thiệp.
Trước giờ phán quyết của PCA, cuối tuần qua, các công dân Philippines ở Trung Quốc đã nhận được tin nhắn qua điện thoại từ Đại sứ quán của Manila cảnh báo rằng, họ không được trao đổi về vấn đề chính trị ở nơi công cộng và tránh tham gia các cuộc thảo luận trên các trang mạng xã hội. Công dân Philippines cũng được khuyến cáo nên luôn mang hộ chiếu và giấy phép cư trú, đồng thời liên hệ với Đại sứ quán hoặc cảnh sát Trung Quốc nếu xảy ra sự cố nào.
Về phía chính phủ Philippines, theo báo Japan Times, ngày 11-7, Ngoại trưởng Perfecto Yasay rút lại tuyên bố Manila sẵn sàng chia sẻ tài nguyên ở khu vực chồng lấn chủ quyền với Bắc Kinh. Trong một tuyên bố được đăng trên trang web của Bộ Ngoại giao Philippines, ông Yasay nhấn mạnh: “Những gì tôi nói đó là chúng tôi phải chờ phán quyết, nghiên cứu và phân tích kỹ lưỡng”. “Nếu phán quyết không giải quyết được vấn đề chủ quyền, phân định biên giới, đến một thời điểm nhất định nào đó trong tương lai, các nước có tranh chấp chủ quyền có thể cân nhắc các thỏa thuận như khai thác, sử dụng chung các tài nguyên ở vùng tranh chấp mà không làm tổn hại đến tuyên bố chủ quyền và phân định biên giới của các bên theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển”, tuyên bố cho hay.
Trước đó, ngày 8-7, ông Yasay khẳng định Manila sẵn sàng chia sẻ tài nguyên thiên nhiên với Bắc Kinh ở khu vực tranh chấp trên Biển Đông ngay cả khi thắng kiện. Theo ông, chính phủ của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte muốn “nhanh chóng bắt đầu đàm phán trực tiếp với Trung Quốc sau khi tòa trọng tài ra phán quyết vào ngày 12-7, trong đó đề cập đến khả năng khai thác chung các mỏ khí đốt và khai thác ngư trường trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines”.
PHÚC NGUYÊN