.

Hợp tác, xây dựng Cộng đồng ASEAN

.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh sẽ dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 49 (AMM-49) và các hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao liên quan được tổ chức từ ngày 23 đến 26-7 tại thủ đô Vientiane, Lào.

Đại diện các nước và Ban Thư ký ASEAN tại phiên khai mạc Hội nghị quan chức cấp cao ASEAN sáng 22-7.  					          Ảnh: TTXVN
Đại diện các nước và Ban Thư ký ASEAN tại phiên khai mạc Hội nghị quan chức cấp cao ASEAN sáng 22-7. Ảnh: TTXVN

Đây là các hội nghị cấp Bộ trưởng Ngoại giao quan trọng nhất trong năm của ASEAN; giữa ASEAN với 10 đối tác chủ chốt (Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc, Úc, New Zealand, EU, Nga và Canada) và của 3 diễn đàn khu vực do ASEAN sáng lập, đóng vai trò chủ đạo: ASEAN+3, ARF và EAS.
Hội nghị AMM-49 sẽ bàn các vấn đề: hợp tác nội khối, xây dựng Cộng đồng cũng như quan hệ đối ngoại của ASEAN.

Về xây dựng Cộng đồng ASEAN, các bộ trưởng sẽ thảo luận việc thúc đẩy triển khai kế hoạch tổng thể thực hiện tầm nhìn 2025 của Cộng đồng Chính trị - An ninh, tăng cường vai trò trung tâm của ASEAN, cải tiến bộ máy và lề lối làm việc của ASEAN, xem xét lại Hiến chương ASEAN. Hội nghị cũng sẽ xem xét đề nghị gia nhập ASEAN của Timor Leste, đề nghị của các nước muốn gia nhập Hiệp ước Hợp tác và Hữu nghị (TAC) hoặc trở thành đối tác chính thức của ASEAN. Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN với từng đối tác sẽ tiến hành kiểm điểm quan hệ giữa ASEAN và các nước trong thời gian qua, phương hướng thúc đẩy quan hệ thời gian tới, trong đó có việc chuẩn bị cho các Hội nghị cấp cao ASEAN+1 vào tháng 9-2016 tại Lào.

Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN+3 (với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc) sẽ bàn việc thực hiện Kế hoạch công tác 2013-2017 và chuẩn bị xây dựng kế hoạch công tác cho giai đoạn tiếp theo...

Tại Hội nghị EAS, các bộ trưởng sẽ bàn về cấu trúc khu vực đang định hình và vai trò của EAS cũng như việc triển khai Tuyên bố kỷ niệm 10 năm thành lập EAS do lãnh đạo thông qua vào tháng 11-2016.

Trong khi đó, Hội nghị ARF sẽ rà soát việc thực hiện các biện pháp xây dựng lòng tin và ngoại giao phòng ngừa trong năm giữa kỳ cũng như bàn về định hướng tương lai của ARF.

Dịp này cũng sẽ diễn ra Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao thuộc các khuôn khổ hợp tác Mekong với một số đối tác là Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Ấn Độ.

Theo TTXVN, đoàn Việt Nam tham dự với phương châm chủ động, tích cực và có trách nhiệm với mục tiêu đóng góp vào tăng cường hợp tác, thống nhất và vai trò trung tâm của ASEAN, nhất là trong việc bảo đảm hòa bình, an ninh và phát triển ở khu vực, đẩy mạnh quan hệ thực chất giữa ASEAN với các đối tác, nâng cao hiệu quả của các diễn đàn khu vực do ASEAN giữ vai trò chủ đạo, tăng cường quan hệ song phương giữa Việt Nam với các nước.

Đoàn Việt Nam đã tích cực tham gia thảo luận và đóng góp ý kiến, cùng các nước đưa ra đề xuất, kiến nghị về một số vấn đề quan trọng để báo cáo các bộ trưởng xem xét, quyết định như gắn kết triển khai Tầm nhìn ASEAN 2025 với Chương trình nghị sự 2030 của Liên Hợp Quốc về phát triển bền vững, thúc đẩy quan hệ thực chất với các đối tác, khả năng cập nhật Hiến chương ASEAN...

Sáng 22-7, Hội nghị quan chức cấp cao ASEAN (SOM) khai mạc dưới sự chủ trì của ông Alounkeo Kittikhoun, Bộ trưởng Văn phòng Thủ tướng, Trưởng SOM Lào, nhằm chuẩn bị cho AMM-49 và các hội nghị liên quan. Đoàn Việt Nam do Thứ trưởng Ngoại giao Lê Hoài Trung làm trưởng đoàn.

Các hội nghị lần này diễn ra trong bối cảnh tình hình quốc tế và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp; cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gia tăng; các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống trở nên nghiêm trọng và trực diện hơn, đặc biệt là tình hình Biển Đông và hoạt động khủng bố. Tình trạng phục hồi chưa vững chắc của kinh tế thế giới và hệ lụy của việc nước Anh rời Liên minh châu Âu (EU) cũng có những tác động nhất định đến khu vực ASEAN.

Vụ trưởng Vụ Hợp tác liên khu vực của Bộ Ngoại giao Indonesia, ông Derry Aman, cho biết Jakarta sẽ hối thúc Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 49 (AMM-49) thảo luận về vấn đề Biển Đông và đề cập khu vực đang tranh chấp này trong tuyên bố kết thúc hội nghị.

Trung Quốc không đóng vai trò chính thức nào tại các cuộc thảo luận đầu tiên của ASEAN nhưng vào sáng 25-7, Bắc Kinh sẽ có cuộc gặp với cả khối ASEAN, cùng với các đại diện đến từ Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Ấn Độ, Nhật Bản và một số nước khác.

B.T tổng hợp

;
.
.
.
.
.