.

Mỹ muốn Trung Quốc tôn trọng luật pháp quốc tế

.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry khẳng định: Washington không đứng về bên nào trong vấn đề tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông nhưng Trung Quốc cần tôn trọng luật pháp quốc tế. “Luật pháp phải được tôn trọng”, ông Kerry nói.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (trái) gặp gỡ người đồng cấp Philippines Perfecto Yasay bên lề AMM 49 và các hội nghị liên quan. 			            		      Ảnh: AFP
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (trái) gặp gỡ người đồng cấp Philippines Perfecto Yasay bên lề AMM 49 và các hội nghị liên quan. Ảnh: AFP

Ngày 26-7, phát biểu tại cuộc họp báo bên lề Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 49 (AMM 49) và các hội nghị liên quan diễn ra ở Vientiane (Lào), Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nói rằng, đã đến lúc gạt bỏ những căng thẳng xung quanh vấn đề Biển Đông. Ông khẳng định: Mỹ không đứng về bên nào trong vấn đề tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông, chẳng hạn như Philippines, đồng minh của Washington; nhưng ông tin rằng, “luật pháp phải được tôn trọng”.

Ngoại trưởng Kerry cho hay, Mỹ khuyến khích các nước, trong đó có các nước ASEAN, ra tuyên bố ủng hộ tính pháp quyền, giải quyết tranh chấp một cách hòa bình thông qua các tiến trình pháp lý và ngoại giao; đồng thời kêu gọi các bên hành xử có trách nhiệm và kiềm chế, không để căng thẳng leo thang trong khu vực.

"Không một bên tuyên bố chủ quyền nào ở Biển Đông có hành động khiêu khích và những bước đi khiến căng thẳng leo thang"

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry

Trung Quốc không tham gia vụ kiện của Philippines và phớt lờ phán quyết của Tòa trọng tài thường trực quốc tế (PCA) ở The Hague (Hà Lan). Bên lề AMM 49, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã có những diễn giải “một chiều”, nói rằng Ngoại trưởng các nước ASEAN ủng hộ lập trường của Bắc Kinh về việc giải quyết các tranh chấp bằng đàm phán song phương thay vì đàm phán đa phương (!?).

Cũng tại cuộc họp báo, Reuters dẫn lời Ngoại trưởng Kerry cho biết, ông ủng hộ việc nối lại đàm phán giữa Trung Quốc với Philippines trong vấn đề Biển Đông, sau phán quyết của PCA ngày 12-7 vừa qua. Theo đó, khi gặp Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte ở Manila vào hôm nay (27-7), ông sẽ kêu gọi nhà lãnh đạo này tiến hành đối thoại và thương thảo với Trung Quốc.

Ngày 25-7, trong cuộc gặp gỡ ông Kerry bên lề AMM 49, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đề nghị Mỹ ủng hộ đàm phán song phương giữa Bắc Kinh với Manila. Giờ đây, ông Kerry nói rằng sẽ khuyến khích Trung Quốc và Philippines tham gia đàm phán để giải quyết tranh chấp ở Biển Đông sau phán quyết của PCA. “Không một bên tuyên bố chủ quyền nào ở Biển Đông có hành động khiêu khích và những bước đi khiến căng thẳng leo thang”, ông Kerry nói. Theo ông, việc Trung Quốc bác bỏ phán quyết của PCA là một thách thức; cộng đồng quốc tế, trong đó có Mỹ, xem phán quyết mang tính ràng buộc pháp lý và theo đúng trình tự của luật pháp. “Chúng ta vẫn có một nhiệm vụ phía trước, một thách thức… là giải quyết các vấn đề thông qua ngoại giao và luật pháp”, Ngoại trưởng Kerry nhấn mạnh.

Trung Quốc vốn chỉ trích Mỹ can dự vào tranh chấp ở Biển Đông bằng việc đưa lực lượng tuần tra của Washington đến vùng biển này và ủng hộ các nước liên quan. Song, Washington bác bỏ cáo buộc của Bắc Kinh.

Trong lúc đó, phát biểu với báo giới ở Vientiane, Ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay cho rằng, tranh chấp không phải giữa Trung Quốc và Mỹ, mà là giữa Trung Quốc và Philippines. “Chúng tôi sẽ theo đuổi mối quan hệ song phương để có giải pháp hòa bình đối với tranh chấp giữa Trung Quốc và Philippines”, ông Yasay khẳng định.

Theo Reuters, Trung Quốc cũng cáo buộc Nhật Bản can dự vào tranh chấp ở Biển Đông, đồng thời thúc giục Tokyo không nên liên quan.   

Việt Nam đồng chủ trì Nhóm hỗ trợ giữa kỳ ARF về an ninh hàng hải

Trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN và các hội nghị liên quan, chiều 26-7 tại Trung tâm Hội nghị quốc gia Lào, diễn ra Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) lần thứ 23. Đoàn Việt Nam do Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh dẫn đầu tham dự các hội nghị.

Tại diễn đàn, các bộ trưởng nhấn mạnh tầm quan trọng của ARF là diễn đàn đối thoại về các vấn đề chính trị - an ninh thuộc mối quan tâm và lợi ích chung ở châu Á - Thái Bình Dương; thúc đẩy xây dựng lòng tin, hợp tác vì hòa bình, ổn định ở khu vực. Các bộ trưởng ghi nhận các kết quả triển khai Kế hoạch hành động thực hiện Tuyên bố Tầm nhìn ARF giúp nâng cao hiệu quả xử lý các thách thức ngày càng phức tạp ở khu vực, nhấn mạnh cần triển khai toàn diện các dòng hành động để thúc đẩy tiến trình ARF.

Hội nghị đã rà soát việc thực hiện các biện pháp xây dựng lòng tin và ngoại giao phòng ngừa trong năm giữa kỳ 2015-2016, đánh giá cao các hoạt động của các nhóm hỗ trợ giữa kỳ ARF về giảm nhẹ thiên tai, chống khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia, an ninh hàng hải, không phổ biến và giải trừ vũ khí hạt nhân.

Hội nghị đã thông qua danh mục các hoạt động cho năm giữa kỳ tiếp theo 2016-2017; trong đó, Việt Nam sẽ đồng chủ trì Nhóm hỗ trợ giữa kỳ ARF về an ninh hàng hải cùng với Úc và Liên minh châu Âu (EU) trong nhiệm kỳ 2017-2020.

Hội nghị đã thông qua một số tuyên bố các Bộ trưởng ARF, trong đó đáng chú ý nhất là Tuyên bố về thúc đẩy hợp tác giữa các cơ quan thực thi pháp luật trên biển theo đề xuất của Việt Nam.

TTXVN

PHÚC NGUYÊN

;
.
.
.
.
.