.

Mỹ "sẵn sàng can thiệp" vào tình hình Biển Đông nếu thấy cần thiết

.

Không có chuyện Mỹ dừng chính sách xoay trục sang châu Á của mình và Mỹ sẵn sàng can thiệp vào tình hình Biển Đông nếu thấy cần thiết.

Máy bay ném bom tầm xa chiến lược B-52 (giữa) từng được Mỹ điều đến tuần tra ở Biển Đông. Ảnh AP
Máy bay ném bom tầm xa chiến lược B-52 (giữa) từng được Mỹ điều đến tuần tra ở Biển Đông. Ảnh AP

Theo Huffington Post, tuyên bố trên được Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden đưa ra ngày 20/7 trong chuyến công du Australia kèm theo lời khẳng định chắc nịch rằng điều này sẽ không thay đổi dù Tổng thống sắp tới là ai.

Tìm kiếm sự ủng hộ của các đồng minh

Ngoài ra, ông Biden cũng bày tỏ mong muốn Australia ủng hộ và tham gia cùng Mỹ vào việc thực hiện chính sách trên: “Chúng tôi sẽ không đi đâu hết. Sự hiện diện của Mỹ tại châu Á-Thái Bình Dương là cực kỳ quan trọng để duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực mà nếu không có 2 yếu tố này, sự thịnh vượng và phát triển kinh tế tại đây sẽ sụp đổ”.

“Mỹ đóng vai trò mấu chốt trong khu vực, chúng tôi muốn đảm bảo rằng, mọi vùng biển tại đây đều an toàn và mọi vùng trời đều rộng mở. Đó là cách để duy trì việc giao thương diễn ra tự do. Đó là yếu tố sống còn và là cách duy nhất để các quốc gia có thể cùng phát triển và cùng thành công”, ông Biden nói.

Phó Tổng thống Mỹ cũng bày tỏ hy vọng sẽ tăng cường hợp tác với các đồng minh tại châu Á như Philippines, Nhật Bản và Hàn Quốc. Cũng theo ông Biden, ông đã từng trao đổi về việc Mỹ tham gia vào tình hình trong khu vực với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và nêu rõ: “Chúng tôi là một quốc gia ở Thái Bình Dương”.

Ngoài ra, ông Biden cũng “không quên” nhắc tới tiềm lực quân sự rất lớn mà Mỹ có thể đưa sang khu vực châu Á-Thái Bình Dương: “Bất cứ ai nghi ngờ về việc Mỹ muốn duy trì sức mạnh ở châu Á-Thái Bình Dương rõ ràng là quá thờ ơ với tình hình khu vực.

Cam kết về sức mạnh quân sự của Mỹ tại đây là không thể so sánh với bất kỳ quốc gia nào. Chúng tôi sẽ tiếp tục “đánh bại” đối thủ của mình bằng việc chi tiêu cho quốc phòng nhiều hơn so với 8 quốc gia tiếp sau Mỹ gộp lại.

Chúng tôi có lực lượng bộ binh, không quân và hải quân mạnh nhất so với bất kỳ quốc gia nào trên thế giới và có thể điều lực lượng của mình cùng một lúc xuất hiện tại mọi ngóc ngách trên thế giới.

Chúng tôi cam kết sử dụng 60% hạm đội hải quân và các lực lượng quân đội mạnh nhất của mình đến Thái Bình Dương vào năm 2020 và nước Mỹ sẽ trở nên mạnh hơn nếu có thêm các đồng minh thân cận và đáng tin cậy cùng kề vai sát cánh”.

Duy trì đến cùng việc tuần tra ở Biển Đông

Cùng ngày, Tư lệnh Lực lượng Hải quân Mỹ John Richardson trong chuyến thăm căn cứ Hải quân Trung Quốc ở thành phố Thanh Đảo nhấn mạnh, Mỹ sẽ tiếp tục điều máy bay chiến đấu và tàu chiến tuần tra ở Biển Đông theo luật pháp quốc tế bất chấp “hậu quả thảm khốc” mà Trung Quốc cảnh báo.

Hải quân Mỹ cho biết, tại cuộc gặp với Tư lệnh Hạm đội Bắc Hải của Trung Quốc Yuan Yubai, ông Richardson đã “nhấn mạnh tầm quan trong của việc đảm bảo hoạt động an toàn và đúng pháp luật ở Biển Đông và bất cứ nơi nào mà Hải quân của các quốc gia có thể tự do hoạt động”.

Ông Richardson khẳng định, Mỹ sẽ tiếp tục điều tàu chiến và máy bay chiến đấu hoạt động tại bất kỳ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép.

“Hải quân Mỹ sẽ tiếp tục thực hiện các cuộc tuần tra và các hoạt động thường lệ và hợp pháp trên toàn thế giới, trong đó có Biển Đông, để bảo vệ quyền tự do sử dụng không phận và hải phận quốc tế một cách hợp pháp. Điều này chắc chắn sẽ không thay đổi”, ông Richardson nói.

Trước đó, phát biểu ngày 18/7, Đô đốc Tôn Kiến Quốc, phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Trung Quốc cảnh báo Mỹ sẽ không bị đe dọa nếu chỉ thực thi quyền tự do hàng hải ở Biển Đông nhưng sẽ phải chịu hậu quả tàn khốc nếu dám có các hành vi khiêu khích về quân sự.

“Từ khi nào quyền tự do đi lại ở Biển Đông bị cản trở? Chưa khi nào cả, dù trong quá khứ hay hiện tại cũng như trong tương lai. Mọi chuyện sẽ vẫn như vậy trừ khi có kẻ nào dám giở trò.

Trung Quốc kịch liệt phản đối cái gọi là tự do hàng hải bằng biện pháp quân sự ở Biển Đông kèm theo những hành động mang tính đe dọa về quân sự cũng như thách thức và không tôn trọng luật pháp quốc tế”, ông Tôn đe dọa.

Đến ngày 20/7, Tân Hoa xã lại tiếp tục giọng điệu đe dọa của ông Tôn bằng việc cảnh báo các nước nằm ngoài khu vực Biển Đông cần “tránh xa vấn đề tranh chấp Biển Đông” nếu không muốn “tự chuốc lấy rắc rối”.

Trước đó, Trung Quốc đã nhiều lần lên tiếng cáo buộc Mỹ cố tình “gây rối” ở Biển Đông bằng việc tiến hành các cuộc tuần tra quanh các đảo nhân tạo mà Trung Quốc cải tạo phi pháp từ các bãi đá ở Biển Đông và xây dựng trái phép các công trình quân sự trên đó để mở rộng phạm vi hoạt động của không quân và hải quân nước này.

Phía Mỹ cũng nhiều lần lên tiếng chỉ trích việc các tàu chiến và máy bay chiến đấu của Trung Quốc đã nhiều lần “bám đuôi một cách thiếu an toàn và chuyên nghiệp” khi các tàu và máy bay chiến đấu của Mỹ tuần tra ở Biển Đông.

Theo VOV

;
.
.
.
.
.