Môtíp “Sói đơn độc,” hay những đối tượng đơn lẻ thực hiện các vụ tấn công đẫm máu, đang trở nên phổ biến và trở thành mối nguy cơ lớn hơn ở Đức và các nước Tây Âu.
Lực lượng cứu hộ làm nhiệm vụ tại hiện trường vụ xả súng ở Munich tối 22/7. (Nguồn: EPA/TTXVN) |
Những vụ việc ở Nice, Pháp cách đơn hơn một tuần hay vụ xả súng ngày 22/7 ở Munich, Đức cho thấy chỉ có một đối tượng đơn lẻ đứng ra thực hiện toàn bộ vụ tấn công mà vẫn có thể gây ra những thương vong rất lớn. Đây thực sự là một điều hết sức đáng quan ngại ở châu Âu trong thời điểm hiện nay.
Số lượng các đối tượng "sói đơn độc" cũng dường như ngày càng gia tăng bởi nhiều nguyên nhân khác nhau.
Tại các nước Tây Âu, những hố sâu ngăn cách trong xã hội giữa người giàu với người nghèo, giữa người bản xứ và người nhập cư ngày càng lớn đang làm cho xã hội bị chia rẽ sâu sắc hơn. Sự bất đình đẳng về thu nhập và mức sống càng lớn thì những người nghèo càng bế tắc hơn và sống mặc cảm hơn.
Sự gia tăng đột biến của dòng người di cư tới nước Đức trong năm ngoái tiếp tục đẩy cao những xu hướng bất bình đẳng này.
Theo một thống kê của Cục Thống kê liên bang Đức năm 2014, tỷ lệ những người thất nghiệp có nguồn gốc nhập cư tại Đức lên tới 35%, cao hơn rất nhiều so với mức trung bình của những người gốc Đức.
Thất nghiệp, nghèo đói và mặc cảm tự ti như những người sống bên lề xã hội đã gây ra nhiều hệ luỵ và bất ổn cho Đức và các nước Tây Âu. Những người này dễ bị lôi kéo vào các phong trào hoặc tư tưởng cực đoan hay rơi vào trạng thái trầm cảm, giống như đối tượng trong vụ xả súng ở Munich, và từ đó trở thành những “sói đơn độc” luôn ấp ủ âm mưu tiến hành những vụ tấn công gây chết chóc.
Một nguyên nhân quan trọng khác góp phần vào sự gia tăng của “sói đơn độc” chính là sự phổ biển của Internet và mạng xã hội giúp lan truyền các tư tưởng cực đoan một cách nhanh chóng và mạnh mẽ hơn.
Những phương tiện truyền thông hiện đại này cũng giúp các đối tượng “sói đơn độc” tìm hiểu thông tin về một mục tiêu tấn công, lên kế hoạch tấn công một cách dễ dàng hơn.
Nếu theo dõi những diễn biến vừa qua trong các vụ tấn công ở châu Âu, có thế thấy là các lực lượng cảnh sát các nước như Pháp, Đức mặc dù đã cố gắng hết sức nhưng vẫn ở thế bị động trước dạng thức tấn công kiểu “sói đơn độc” này.
Nhìn chung, an ninh và sự ổn định của xã hội Đức và các nước Tây Âu đứng trước trước một số thách thức từ những đối tượng cực đoan đơn lẻ này.
Trước hết, các đối tượng “sói đơn độc” có thể là bất kỳ ai bị tiêm nhiễm tư tưởng cực đoan và vì thế các cơ quan cảnh sát gần như không thể đoán biết trước để ngăn chặn phòng ngừa. Tiếp theo đó, các nước Tây Âu sẽ phải đối mặt với nguy cơ bị tấn công ở bất kỳ đâu, bất kỳ thời gian nào bởi các đối tượng “sói đơn độc.”
Cuối cùng, những con "sói đơn độc" này đặt cho các cơ quan cảnh sát châu Âu vào tình thế cùng một lúc phải đối phó với nhiều nguy cơ an ninh khác nhau và gây thêm nhiều khó khăn trong việc triển khai các biện pháp đối phó phù hợp.
Theo Vietnam+