.

Nối tiếp Anh, Czech hoài nghi EU

.

Tổng thống Cộng hòa Czech Milos Zeman muốn nước ông cũng bỏ phiếu trưng cầu dân ý về tư cách thành viên trong Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Tình trạng người nhập cư tràn vào châu Âu làm nhiều người dân hoài nghi về khả năng của EU trong việc xử trí khủng hoảng.  Trong ảnh: Tàu Ý cứu những người tị nạn ở Địa Trung Hải. 			 Ảnh: AFP
Tình trạng người nhập cư tràn vào châu Âu làm nhiều người dân hoài nghi về khả năng của EU trong việc xử trí khủng hoảng. Trong ảnh: Tàu Ý cứu những người tị nạn ở Địa Trung Hải. Ảnh: AFP

Đài Tiếng nói của Cộng hòa Czech dẫn lời Tổng thống Milos Zeman phát biểu với người dân thị trấn Velke Mezirici vào đêm 30-6 (giờ địa phương) rằng, ông kêu gọi nước này tổ chức trưng cầu dân ý về tư cách thành viên trong EU và NATO, sau cuộc bỏ phiếu gây sốc của Anh. Song, Tổng thống Zeman cho biết, ông vẫn ủng hộ Czech ở lại EU và NATO.

Theo Reuters, thực tế, ông Zeman không có quyền kêu gọi trưng cầu dân ý bởi để tiến hành bỏ phiếu như vậy thì phải sửa đổi hiến pháp. Tuy nhiên, ông là nhà lãnh đạo có ảnh hưởng ở Czech, nơi người dân đang hoài nghi về EU - tổ chức mà Czech đã gia nhập vào năm 2004.  

Hãng Reuters cũng cho biết, EU đang nỗ lực khắc phục những hệ quả từ cuộc bỏ phiếu trưng cầu dân ý ở Anh hồi tuần trước. Việc người dân Anh quay lưng với EU làm thị trường tài chính toàn cầu chao đảo, đồng thời làm dấy lên quan ngại rằng các nước thành viên khác có thể xem xét rời liên minh.
Ở Cộng hòa Czech, sự hài lòng với việc là thành viên của EU giảm còn 25% trong tháng 4 vừa qua, theo khảo sát của Viện CVVM. Năm 2015, con số này là 32%.

Trong khi đó, ở nước láng giềng Slovakia, đảng Nhân dân cực hữu có kế hoạch kêu gọi tổ chức trưng cầu dân ý về tư cách thành viên của nước này trong EU và NATO. Còn Hungary hiện không dự kiến tiến hành trưng cầu dân ý nhưng Thủ tướng Viktor Orban trước đó nói rằng, nếu có thì ông sẽ bỏ phiếu “rời đi” hoặc không bỏ phiếu.  

Theo các nhà quan sát, chính việc xử trí của EU đối với cuộc khủng hoảng nhập cư trong năm qua đã làm các cử tri ở Đông Âu tức giận. Chính phủ một số nước này đã từ chối hạn ngạch do Ủy ban châu Âu đặt ra trong việc áp đặt số lượng người nhập cư được tiếp nhận. Tổng thống Cộng hòa Czech Milos Zeman cũng đặc biệt phản đối việc tiếp nhận người nhập cư, hầu hết là người Hồi giáo, chạy trốn các cuộc xung đột hoặc nghèo đói ở Trung Đông, Afghanistan và châu Phi.

Tại Quốc hội Czech, hồi tháng 5 vừa qua, đảng Usvit cực hữu đối lập (một đảng nhỏ) đã thúc đẩy cuộc trưng cầu dân ý rời EU nhưng không thành công do không giành được sự ủng hộ cho kế hoạch này. Tuy nhiên, để tổ chức bất kỳ cuộc trưng cầu dân ý nào thì cũng phải sửa đổi hiến pháp và cần 60% nghị sĩ thông qua ở cả hai viện.

Đối với việc Anh rời EU, ngày 1-7, Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier nói rằng, London nên nhanh chóng đặt ra lịch trình trước khi chính thức đàm phán về vấn đề này. Ủy viên thương mại EU Cecilia Malmstrom cũng khẳng định: Nước Anh không thể đàm phán về các điều khoản hợp tác thương mại mới với EU nếu chưa thực rời liên minh. “Trước tiên Anh phải rời khối rồi mới nói đến chuyện đàm phán”, bà Malmstrom nói.

Bộ trưởng Tư pháp Anh Michael Gove, một trong 5 ứng viên đang cạnh tranh chức thủ tướng để kế nhiệm ông David Cameron nhấn mạnh: Ông sẽ là nhà lãnh đạo tiếp theo của xứ sở sương mù bởi ông cam kết rời EU. Tuy nhiên, nếu trở thành thủ tướng, ông Gove sẽ không khơi mào việc đàm phán rời liên minh trong năm nay. Phát biểu này dường như làm các nhà lãnh đạo EU thất vọng bởi họ đang gây áp lực để Anh khởi động đàm phán sớm rời khối gồm 28 thành viên.  

PHÚC NGUYÊN

;
.
.
.
.
.