.

Nước Anh tìm thủ tướng mới

.

Cả hai đảng lớn ở Anh: đảng Bảo thủ và Công đảng, bắt đầu cuộc chạy đua tìm người kế nhiệm Thủ tướng David Cameron sau cuộc bỏ phiếu trưng cầu dân ý gây sốc vào ngày 23-6 vừa qua.

Bộ trưởng Tư pháp Michael Gove bất ngờ tuyên bố cạnh tranh chức thủ tướng để thay thế ông David Cameron.  				         Ảnh: AP
Bộ trưởng Tư pháp Michael Gove bất ngờ tuyên bố cạnh tranh chức thủ tướng để thay thế ông David Cameron. Ảnh: AP

Về phía đảng Bảo thủ, một số nhân vật hiện nổi lên là ứng viên thay thế ông David Cameron. Các ứng viên bao gồm: cựu Thị trưởng London Boris Johnson, vốn ủng hộ Brexit (Anh rời Liên minh châu Âu - EU); Bộ trưởng Nội vụ Theresa May, ủng hộ ở lại EU; Bộ trưởng Tư pháp Michael Gove, người dẫn đầu chiến dịch Brexit. Song, ngày 30-6, ông Johnson bất ngờ tuyên bố không ứng cử.

Trong khi đó, AFP cho biết, trong thư gửi tờ The Times số ra ngày 30-6, Bộ trưởng Nội vụ Theresa May tuyên bố sẽ đoàn kết nước Anh và hàn gắn những chia rẽ. Tuy ủng hộ Anh ở lại EU nhưng bà nói rằng, sẽ không có cuộc trưng cầu dân ý lần hai, đồng thời các cuộc đàm phán ly khai với EU sẽ không diễn ra trước cuối năm nay. “Brexit nghĩa là Brexit”, bà May nói.

Bộ trưởng Tư pháp Michael Gove bất ngờ công bố ứng cử. Ông Gove từng được kỳ vọng ủng hộ cựu Thị trưởng London làm ứng viên thủ tướng và sẽ đứng đầu Bộ Tài chính trong chính phủ Johnson. Ông Gove cũng là bạn thân thiết của ông Cameron.

Riêng Bộ trưởng Tài chính thân EU, ông George Osborne, đã bác bỏ việc tranh cử. Ban đầu, ông Osborne được cho là ứng viên sáng giá để thay thế ông Cameron.

Kết quả bầu chọn người lãnh đạo đảng Bảo thủ sẽ được công bố vào ngày 9-9 tới. Theo kết quả thăm dò của hãng YouGove ngày 30-6, các thành viên đảng Bảo thủ hiện ủng hộ bà May hơn ông Johnson với tỷ lệ là 37% so với 27%.

Trong khi đó, Chủ tịch Công đảng Jeremy Corbyn đang đối mặt với thách thức và áp lực từ chức vì bị chỉ trích đã thất bại trong chiến dịch vận động cử tri chọn giải pháp ở lại EU. Ông Corbyn cũng để mất tín nhiệm trong nội bộ Công đảng trong cuộc bỏ phiếu ngày 29-6. Song, ông vẫn bác bỏ việc từ chức, thậm chí còn tuyên bố cuộc bỏ phiếu chống lại mình là vi hiến.

Thực chất, cả hai đảng đều rơi vào khủng hoảng sau cuộc bỏ phiếu trưng cầu dân ý. Riêng Công đảng có 40 nghị sĩ đã từ chức. Người thay thế ông Cameron sẽ đối mặt với những nhiệm vụ khó khăn, trong đó có các cuộc đàm phán cùng châu Âu để hàn gắn mối quan hệ đang đổ vỡ.

THIÊN BÌNH

;
.
.
.
.
.