.

Nước Mỹ không chia rẽ

.

Tổng thống Barack Obama cho rằng, vụ bắn tỉa nhằm vào cảnh sát trong những ngày qua không dẫn đến việc nước Mỹ chia rẽ. “Nước Mỹ không chia rẽ như một số người nói”, ông Obama nhấn mạnh.

Người dân đặt hoa và nến trước các trụ sở cảnh sát ở Dallas để tưởng niệm những người thiệt mạng. 		      Ảnh: AFP
Người dân đặt hoa và nến trước các trụ sở cảnh sát ở Dallas để tưởng niệm những người thiệt mạng. Ảnh: AFP

Ngày 9-7, phát biểu tại cuộc họp báo ở thủ đô Warsaw của Ba Lan, Tổng thống Barack Obama bác bỏ quan điểm rằng, bạo lực xảy ra vào cuối tuần qua ở Mỹ là dấu hiệu cho thấy sự trở lại thời tàn bạo chủng tộc của một quá khứ đen tối. 5 cảnh sát ở thành phố Dallas (bang Texas) đã thiệt mạng do bị bắn tỉa. Trước đó, 2 công dân da màu Philando Castile và Alton Sterling đã bị cảnh sát bắn chết tại bang Minnesota và Louisiana. Những vụ việc này làm người dân Mỹ sốc và là hồi chuông cảnh bảo về vấn đề phân biệt chủng tộc vốn luôn tồn tại trong xã hội cường quốc hàng đầu thế giới. Trong “cơn ác mộng” ở Texas, nhiều người lo sợ một chương đen tối lại mở ra trong mối quan hệ chủng tộc tại Mỹ.

Hãng AP dẫn lời Tổng thống Obama cho rằng, tay súng ở Dallas bị cảnh sát bắn chết không đại diện cho tất cả người Mỹ da màu. Nghi phạm trong vụ bắn tỉa ở Dallas và bị cảnh sát tiêu diệt được xác định là Micah Johnson (25 tuổi), một quân nhân dự bị từng phục vụ trong quân đội Mỹ ở Afghanistan. “Một cá nhân điên loạn thực hiện vụ tấn công ở Dallas không đại diện cho cộng đồng người Mỹ gốc Phi, cũng như kẻ sát nhân trong vụ xả súng ở Charleston không đại diện cho người Mỹ da trắng”. Phát biểu của ông Obama đề cập vụ xả súng tại một nhà thờ ở Charleston (Nam Carolina) vào năm 2015 khiến 9 người thiệt mạng; thủ phạm là Dylann Roof, một thanh niên người da trắng 21 tuổi.

Đối với vụ bắn tỉa ở Dallas, ông Obama chỉ trích hành động bạo lực nhằm vào cảnh sát là không thể biện minh và gọi vụ tấn công này là hèn hạ. Trong vòng 24  giờ sau vụ 11 cảnh sát bị bắn tỉa, thêm 3 cảnh sát bị bắn ở các bang Tennessee, Missouri và Georgia.

Tổng thống Obama cho biết, đầu tuần này, ông sẽ đến thăm Dallas trong một vài ngày. Ông phải cắt ngắn chuyến công du châu Âu để trở về Mỹ vào đêm 10-7 (giờ địa phương).

Trước khi rời Ba Lan để đến Tây Ban Nha trong chặng dừng chân cuối cùng của chuyến công du, người đứng đầu Nhà Trắng khẳng định nước Mỹ không chia rẽ. Song, ông nhìn nhận “có đau thương, có sự tức giận, có sự bối rối” ở đất nước của mình. Tổng thống Obama sẽ triệu tập cuộc họp với các quan chức cảnh sát và các nhà hoạt động dân sự tại Nhà Trắng để trao đổi về các bước đi tiếp theo sau hàng loạt vụ bạo lực. Giới chức Mỹ cũng đã loại bỏ bất kỳ mối liên hệ nào với khủng bố trong nước hay quốc tế xung quanh vụ việc ở Dallas.

Hãng AP cũng cho biết, ông Obama sẽ tiếp tục nói về sự cần thiết thắt chặt kiểm soát súng, dù Quốc hội do đảng Cộng hòa kiểm soát đã từ chối điều này.

Trong lúc đó, các cuộc biểu tình phản đối cảnh sát giết chết 2 công dân da màu lan rộng khắp các thành phố của Mỹ như: Phoenix (Arizona), Rochester (New York)… Tại các trụ sở cảnh sát ở Dallas, người dân đặt hoa, nến và gửi những thông điệp để tưởng niệm các nạn nhân thiệt mạng.

Trên Twitter, ứng viên tổng thống của đảng Dân chủ, cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton nói rằng, người Mỹ da trắng cần lắng nghe người Mỹ da đen nói về những rào cản mà họ đối mặt.

BÌNH YÊN

;
.
.
.
.
.