Tổng thống Pháp Francois Hollande thúc giục sự đoàn kết giữa các tôn giáo ở quốc gia này sau vụ tấn công nhằm vào nhà thờ Saint-Etienne-du-Rouvray, vụ việc làm dấy lên những chỉ trích về công tác bảo đảm an ninh của chính phủ.
Quân đội Pháp phong tỏa lối dẫn vào nhà thờ Saint-Etienne-du-Rouvray sau khi xảy ra vụ tấn công. Ảnh: AP |
Các nhà lãnh đạo Paris đang đối mặt với áp lực lớn khi Pháp hứng chịu làn sóng tấn công từ năm ngoái đến nay, mới nhất là vụ hai chiến binh Hồi giáo giết hại một linh mục tại nhà thờ Saint-Etienne-du-Rouvray ở Normandy, phía đông bắc của quốc gia châu Âu này. Uy tín của Tổng thống Francois Hollande, Thủ tướng Manuel Valls và Bộ trưởng Nội vụ Bernard Cazeneuve đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Ngày 27-7, Tổng thống Hollande gặp gỡ lãnh đạo các tôn giáo chính ở nước Pháp và kêu gọi sự đoàn kết. Một ngày trước đó, sau khi xảy ra vụ tấn công và giữ con tin ở nhà thờ Saint-Etienne-du-Rouvray, ông Hollande cũng kêu gọi người dân Pháp đoàn kết và cảnh báo cuộc chiến chống khủng bố sẽ còn lâu dài. “Nền dân chủ của chúng ta là mục tiêu và sẽ là lá chắn bảo vệ chúng ta. Hãy sát cánh cùng nhau. Chúng ta sẽ chiến thắng trong cuộc chiến (chống khủng bố) này”, người đứng đầu Điện Elysée nói.
Theo AP, sau cuộc gặp nói trên, các lãnh đạo tôn giáo chính gửi thông điệp thống nhất và đoàn kết. Song, ngay cả khi họ đưa ra thông điệp này, thông tin chi tiết hơn về vụ tấn công ở nhà thờ vẫn chưa được công bố. Một trong 2 kẻ tấn công được xác định là Adel Kermiche (19 tuổi) nhưng danh tính của kẻ tấn công thứ hai chưa được tiết lộ.
Tổng thống Hollande cũng triệu tập họp Hội đồng An ninh và quốc phòng để giải quyết các vấn đề xung quanh vụ việc tại Saint-Etienne-du-Rouvray. Hãng AFP dẫn lời Thủ tướng Manuel Valls cảnh báo mục tiêu của cuộc tấn công là “nhằm làm người Pháp chống lẫn nhau và việc tấn công tôn giáo là để khơi mào một cuộc chiến tranh tôn giáo”. Báo Le Monde cũng nhận định: “Nước Pháp đang hứng chịu cuộc tấn công được tạo ra từ một trong những cộng đồng Hồi giáo lớn nhất ở châu Âu. Mục đích của các chiến binh thánh chiến là kích động các cuộc tấn công bạo lực trả thù, tạo ra cuộc chiến tranh tôn giáo ở đất nước chúng ta”.
Hãng Reuters cho biết, sau vụ khủng bố vào đêm Quốc khánh (14-7) ở thành phố Nice làm 84 người chết, Tổng thống Hollande và các bộ trưởng đã bị những người đối lập bảo thủ chỉ trích. Cựu Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy, người dự kiến sẽ tranh cử tổng thống trong cuộc bỏ phiếu vào năm tới, cho rằng “tất cả bạo lực và sự man rợ đã làm tê liệt nước Pháp kể từ tháng 1-2015 (tức từ vụ tấn công nhằm vào tạp chí biếm họa Charlie Hebdo)”.
Phát biểu với báo Le Monde, ông Sarkozy kêu gọi bắt giữ những đối tượng tình nghi cực đoan hóa thuộc diện S (có tên trong danh sách bị cơ quan tình báo Pháp đánh giá chắc chắn theo chủ nghĩa cực đoan); đồng thời, các đối tượng khủng bố bị kết án sau khi mãn hạn tù sẽ không được trả tự do nếu vẫn bị xem là nguy hiểm. Đây cũng là một nội dung được đề cập trong dự thảo luật chống khủng bố mới, do đảng Cộng hòa đối lập của ông Sarkozy soạn thảo.
Song, Bộ trưởng Nội vụ Cazeneuve bác bỏ đề xuất nói trên, cho rằng việc bắt giam các đối tượng tình nghi cực đoan hóa sẽ là vi hiến và trong trường hợp này có thể tạo ra sự phản tác dụng. Ông Cazeneuve cho hay, trước mối đe dọa tấn công từ những phần tử cực đoan, Pháp phải bảo vệ 56 điểm sự kiện mùa hè và đây là thách thức không nhỏ đối với giới chức an ninh.
Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian khẳng định: 4.000 binh sĩ được điều động tuần tra Paris, 6.000 binh sĩ sẽ tuần tra ở những tỉnh khác. Bên cạnh đó, hàng chục ngàn cảnh sát cũng có mặt khi quốc gia châu Âu này gia hạn tình trạng khẩn cấp đến cuối tháng 1-2017.
BÌNH YÊN