.
SAU VỤ TẤN CÔNG Ở SÂN BAY ATATURK

Thổ Nhĩ Kỳ truy lùng thủ phạm

.

Sau khi xảy ra vụ khủng bố ở sân bay quốc tế Ataturk, cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành đồng thời nhiều cuộc vây ráp ở Istanbul và bắt giữ nhiều đối tượng tình nghi.

Thân nhân của những người thiệt mạng trong các vụ tấn công than khóc bên ngoài Bệnh viện Bakirkoy ở Istanbul.  						Ảnh: AP
Thân nhân của những người thiệt mạng trong các vụ tấn công than khóc bên ngoài Bệnh viện Bakirkoy ở Istanbul. Ảnh: AP

Hãng AFP cho biết, trong 16 cuộc vây ráp khắp thành phố Istanbul ngày 30-6, cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ bắt giữ 13 đối tượng tình nghi là chiến binh thánh chiến thuộc tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) liên quan đến vụ tấn công ở sân bay Ataturk. Số người chết được xác định tăng lên 42 người, trong đó có 13 người nước ngoài, và 239 người khác bị thương. Trong số các đối tượng bị bắt giữ có 3 người nước ngoài và trong những nạn nhân thiệt mạng có 5 công dân Saudi Arabia, 2 người Iraq, 1 người Trung Quốc, 1 người Jordan, 1 người Tunisia, 1 người Iran, 1 người Uzbekistan, 1 người Ukraine.

Trước đó, phát biểu với báo giới, Bộ trưởng Nội vụ Thổ Nhĩ Kỳ Efkan Ala khẳng định đang mở một “cuộc điều tra nghiêm túc và toàn diện” để tìm ra ai đứng sau vụ tấn công. “Những dấu hiệu đầu tiên cho thấy đó là Daesh (tức IS), nhưng điều này không chắc chắn”, ông Ala nói. Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) John Brennan cho rằng, vụ tấn công có dấu ấn của nhóm chiến binh thánh chiến.

Theo Reuters, giới chức cũng cho hay, 3 nghi phạm liên quan đến từ Nga, Uzbekistan và Kyrgyzstan, nhưng không cho biết thêm chi tiết. Song, báo Yeni Safak của Thổ Nhĩ Kỳ thân chính phủ đưa tin: Kẻ tổ chức vụ tấn công bị tình nghi là một người đàn ông có tên Akhmed Chatayev, người gốc Chechen. Chatayev có tên trong danh sách trừng phạt của Liên Hợp Quốc với vai trò đứng đầu trong việc đào tạo các chiến binh nói tiếng Nga, đồng thời bị Mátxcơva truy nã. Trong khi đó, báo Hurriyet chỉ đích danh một trong những nghi phạm là Osman Vadinov, cũng là người Chechen nhưng đến từ Raqa, thành trì của IS ở Syria. Song, phía Thổ Nhĩ Kỳ không khẳng định Chatayev hay Vadinov có phải là những cái tên đang bị điều tra hay không.

Bên cạnh đó, các nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ đang chịu áp lực phải thuyết phục các du khách rằng, quốc gia này vẫn an toàn, trong lúc ngành công nghiệp du lịch chịu tác động nặng nề từ hàng loạt vụ tấn công trong thời gian qua. Nhà phân tích Ege Seckin của IHS Country Risk cho rằng, vụ tấn công rất có thể do IS thực hiện sẽ hủy hoại nền kinh tế của Thổ bằng việc nhằm vào một sân bay lớn trước thềm các tháng du lịch.

Hiện Thổ Nhĩ Kỳ gia tăng lực lượng an ninh tại các sân bay của nước này. Thực tế, Thủ tướng Binali Yildirim đã có những phản ứng nhanh nhẹn, trong đó có việc bác bỏ những sai sót trong an ninh. Tuy nhiên, nhiều người dân Thổ vẫn giận dữ vì chính phủ không ngăn chặn được vụ việc. Báo Cumhuriyet đối lập cũng bày tỏ sự tức giận vì những gì mà tờ này gọi là sự thất bại của các nhà lãnh đạo đất nước trong việc thể hiện trách nhiệm chính trị xung quanh vụ tấn công. “Một ai đó sẽ từ chức chăng?”, báo Cumhuriyet nêu câu hỏi; đồng thời đề cập rằng, sau các vụ tấn công do IS thực hiện tại sân bay và nhà ga tàu điện ngầm ở Brussels (Bỉ), 3 Bộ trưởng của Bỉ đã xin từ chức.

Theo giới quan sát, các cuộc chiến tranh ở những nước láng giềng như Syria và Iraq, nơi IS đang hoành hành, là nguyên nhân dẫn đến hàng loạt vụ đánh bom liều chết tại Thổ Nhĩ Kỳ, trong đó có 2 vụ xảy ra trong năm nay nhằm vào du khách nước ngoài ở trung tâm Istanbul. IS cũng đã nhận trách nhiệm đối với các vụ tấn công bằng súng và bom tương tự ở Bỉ và Pháp hồi năm ngoái.

Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và là một phần trong liên minh do Mỹ dẫn đầu chống IS. Những người chỉ trích cho rằng, Thổ tỉnh giấc quá muộn trước mối đe dọa từ IS; thay vào đó, Ankara cứ tập trung vào cuộc nội chiến ở Syria với nỗ lực lật đổ Tổng thống Bashar al-Assad.

Hãng Reuters cho hay, trong các cuộc điện đàm riêng rẽ với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, Tổng thống Mỹ Barack Obama và người đồng cấp Nga Vladimir Putin đều chỉ trích vụ tấn công. Ông Obama, đang tham dự Hội nghị thượng đỉnh Bắc Mỹ ở Ottawa (Canada), nói rằng Washington đề nghị hỗ trợ Thổ và cam kết phối hợp với Ankara trong cuộc chiến chống khủng bố.

Ngày 30-6, trước vụ tấn công khủng bố xảy ra ngày 28-6 tại sân bay Ataturk, Thổ Nhĩ Kỳ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình cho biết: “Chúng tôi xin gửi tới gia đình những người bị nạn, Chính phủ và nhân dân Thổ Nhĩ Kỳ lời chia buồn sâu sắc nhất. Việt Nam lên án vụ khủng bố và tin tưởng rằng những kẻ chủ mưu sớm bị trừng phạt thích đáng”.

TTXVN

BÌNH YÊN

;
.
.
.
.
.