.

Saudi Arabia chấn động vì bom

.

Ba vụ đánh bom liều chết xảy ra ở 3 thành phố của Saudi Arabia vào ngày 4-7 (giờ địa phương) được cho là có liên quan đến các vụ tấn công ở Bangladesh và Iraq trước đó, bởi đều nhắm tới dịp Eid al-Fitr - lễ ăn mừng kết thúc tháng Ramadan của người Hồi giáo.

Lực lượng an ninh có mặt tại hiện trường vụ tấn công ở Thánh đường Nhà tiên tri tại Medina. 	            Ảnh: AFP
Lực lượng an ninh có mặt tại hiện trường vụ tấn công ở Thánh đường Nhà tiên tri tại Medina. Ảnh: AFP

Hãng Reuters cho biết, 3 vụ tấn công ở Saudi Arabia nhằm vào Tổng lãnh sự quán Mỹ ở Jeddah, một nhà thờ hồi giáo dòng Shiite ở Qatif và tổng hành dinh của lực lượng an ninh tại Thánh đường Nhà tiên tri ở Medina. Vụ tấn công tại Thánh đường Nhà tiên tri - nơi an táng đấng tiên tri Muhammed và thu hút hàng triệu người hành hương đến mỗi năm - đã làm 4 nhân viên an ninh thiệt mạng, 5 người khác bị thương; đồng thời khiến người Hồi giáo sốc và phẫn nộ. Hình ảnh được các nhân chứng ghi lại cho thấy lửa cháy lớn, khói đen bốc lên từ khu vực gần thánh đường.

Trong khi đó, tại Tổng lãnh sự quán Mỹ ở Jeddah, không có trường hợp thương vong nhưng điều đáng nói là vụ tấn công xảy ra đúng thời điểm kỷ niệm Quốc khánh của Mỹ. Vụ việc ở nhà thờ hồi giáo dòng Shiite tại Qatif dường như cũng không làm ai bị thương. Qatif là nhà của nhiều người Shiite, nhóm thiểu số trong vương quốc do người Sunni nắm quyền.

Chưa có ai nhận trách nhiệm nhưng tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đã thúc giục những người ủng hộ lực lượng này thực hiện các vụ tấn công trong suốt tháng Ramadan. Chính thủ lĩnh IS Abu Bakr al-Baghdadi đã kêu gọi tiến hành tấn công ở Saudi Arabia, nước đang tham gia liên minh do Mỹ dẫn đầu chống IS ở Iraq và Syria. Trước đó, IS đã tuyên bố nhận trách nhiệm hoặc bị đổ lỗi là thủ phạm trong làn sóng các vụ xả súng và đánh bom ở Orlando (Mỹ), Bangladesh, Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ), Baghdad (Iraq).

Bộ Nội vụ Saudi Arabia cho biết, kẻ tấn công tại Jeddah là một công dân gốc Pakistan tên Abdullah Qalzar Khan (35 tuổi), làm nghề lái xe, sống cùng vợ và cha mẹ vợ ở thành phố Jeddah trong 12 năm qua.

Chưa có bình luận từ phía Pakistan. Theo AP, có khoảng 9 triệu người nước ngoài sống ở Saudi Arabia, đất nước có dân số 30 triệu người. Trong đó, người Pakistan là một trong những nhóm người nước ngoài đông đảo nhất ở Saudi Arabia.

Người dân Saudi Arabia, đặc biệt là những người Hồi giáo đang sốc vì vụ tấn công ở Thánh đường Nhà tiên tri, nghi ngờ IS đứng sau vụ việc và có liên quan đến các vụ tấn công ở Bangladesh cũng như Iraq trước đó. Hội đồng giáo sĩ tối cao của Saudi Arabia gọi các vụ tấn công cho thấy “những kẻ phản bội đã vi phạm tất cả những gì linh thiêng”. Abdullah al-Sheikh, người đứng đầu Hội đồng Shara, cơ quan cố vấn chính của vương quốc này, cho rằng vụ tấn công là chưa từng có.

Từ cuối năm 2014 đến nay, hàng loạt vụ đánh bom và tấn công bằng súng đã xảy ra tại Saudi Arabia, do IS thực hiện, nhằm vào cộng đồng thiểu số Shiite cũng như các thành viên của lực lượng an ninh, làm hàng chục người chết. Hồi tháng 6 vừa qua, Bộ Nội vụ Saudi Arabia công bố báo cáo cho thấy, có 26 vụ tấn công khủng bố ở nước này chỉ trong 2 năm qua.

Cũng trong ngày 5-7, Iran chỉ trích 3 vụ việc nói trên. Trên Twitter, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif nói: “Cả người Sunni lẫn người Shiite đều là nạn nhân nếu chúng ta không thống nhất thành một”. Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Bahram Ghasemi, chủ nghĩa khủng bố không biết biên giới hay quốc tịch và không có giải pháp nào, ngoại trừ việc đoàn kết quốc tế và khu vực để chống lại hiện tượng này”.

Iran và Saudi Arabia vốn có quan hệ căng thẳng khi cạnh tranh sức ảnh hưởng đối với khu vực. Hai nước có những quan điểm khác biệt trong các cuộc xung đột như Syria và Yemen. Hồi tháng 1 vừa qua, Saudi Arabia thậm chí “đóng băng” quan hệ với Iran sau khi những người biểu tình tấn công Đại sứ quán của Riyadh ở thủ đô Tehran và lãnh sự quán ở thành phố Mashhad.

BÌNH YÊN

;
.
.
.
.
.