Vụ thảm sát ở thành phố Nice là vụ tấn công khủng bố đẫm máu thứ ba tại Pháp chỉ trong gần 18 tháng qua. Vì sao Pháp là mục tiêu của khủng bố?
Những vết đạn còn lại trên chiếc xe tải gây ra vụ thảm sát tại Nice. Ảnh: Reuters |
Nhìn lại 3 vụ tấn công đẫm máu xảy ra tại Pháp trong 18 tháng qua, người ta không thể không bàng hoàng bởi mức độ tàn bạo và tần suất khá gần nhau của chúng.
Đầu tiên là vụ tấn công một tòa soạn báo, rồi tới siêu thị, tiếp đó là nhà hát, sân vận động, nhà hàng và nay lại là thành phố ven biển Nice vào đúng Quốc khánh Pháp (14-7).
Kể từ đầu năm ngoái, bọn khủng bố đã tấn công nước Pháp bằng các vụ xả súng và đánh bom nhằm vào các “mục tiêu mềm” là những người dân vô tội ở nơi công cộng, trong đó có vụ tấn công ở Paris làm 130 người chết.
Trước cuộc thảm sát tại Nice vào đêm 14-7 vừa làm 84 người chết, các vụ tấn công đều do những kẻ Hồi giáo cực đoan tuyên bố nhận trách nhiệm. Đối với vụ tấn công tại Nice, đến nay vẫn chưa rõ lực lượng nào đứng sau. Và cũng giống như các vụ tấn công trước đó, nó khiến cả nước Pháp rúng động. Một câu hỏi day dứt lần nữa được đặt ra: Tại sao lại là Pháp?
Tổng thống Francois Hollande đã gọi cuộc thảm sát ở Nice là vụ tấn công khủng bố và triệu tập họp khẩn để giải quyết tình huống. “Những kẻ cuồng tín bác bỏ mọi quyền con người và nước Pháp rõ ràng trở thành mục tiêu của chúng”, ông nói.
Mặc dù đến thời điểm này, nhà điều tra vẫn chưa có bằng chứng nào khẳng định mối liên hệ giữa kẻ tấn công khủng bố ở Nice và tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), nhưng nhìn lại các vụ tấn công khủng bố xảy ra tại Pháp trước vụ ở Nice, giới chuyên gia an ninh cho biết, chúng đều do những kẻ khủng bố nảy sinh từ các nhóm cộng đồng bị tước quyền công dân gây ra. Ông Robert Baer, cựu điệp viên Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) nói: “Có một cộng đồng bất mãn rất lớn người Bắc Phi. Hiện họ là công dân Pháp… nhưng họ đã bị loại ra khỏi xã hội Pháp”.
Cựu quan chức Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) Tom Fuentes cho rằng, thực trạng nảy sinh các phần tử khủng bố trong nước đang là mối lo rất lớn tại châu Âu. Ông phân tích: “Chúng ta đã có thế hệ người nhập cư thứ ba có nguồn gốc từ Maroc, Algeria, Libya, Tunisia… ở châu Âu. Ngay cả khi con cái họ được sinh ra tại Pháp và cháu chắt họ sinh ra tại Pháp thì họ vẫn không tự xem mình là người Pháp”. “Những người dân nhập cư này sống trong các khu vực khép kín và chỉ quan hệ với nhau mà không được cộng đồng tổng thể chấp nhận”, ông Tom Fuentes nói.
Cũng theo ông Fuentes, tình trạng cực đoan hóa của những người trong nước đang trở thành nguy cơ đáng ngại ở Mỹ, đặc biệt từ sau các vụ tấn công xả súng ở San Bernardino, bang California và vụ xả súng ở Orlando, bang Florida.
Sau vụ tấn công khủng bố ở Nice, cựu Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy chỉ trích chính phủ đương nhiệm rằng họ đã không chịu hành động gì trong suốt 18 tháng qua và kêu gọi cần phải thực thi những biện pháp mạnh tay hơn nữa như trục xuất tất cả các công dân nước ngoài tại Pháp có liên hệ với Hồi giáo cực đoan.
Nhưng liệu giải pháp ấy có thực sự mạnh tay và mang lại hiệu quả hay không trong khi một bộ phận cộng đồng không thể hòa nhập vẫn đang tồn tại và tiếp tục phình lên trong làn sóng người nhập cư chưa có dấu hiệu thuyên giảm? Dường như các nước phương Tây vô cùng lúng túng trong việc tìm ra giải pháp cho những vấn đề gốc rễ của thực trạng này.
TRẦN ĐẮC LUÂN