Quốc tế
Tháng Ramadan kết thúc trong bạo lực
Tháng Ramadan của người Hồi giáo kết thúc trong làn sóng bạo lực ở nhiều châu lục. Từ những vụ tấn công ở Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) đến Saudi Arabia, từ Baghdad (Iraq) đến Bangladesh, tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đều có liên quan hoặc bị nghi ngờ đứng sau những vụ việc này.
Tính đến ngày 6-7, số người chết trong vụ tấn công ở thủ đô Baghdad hôm 3-7 lên đến 250 người. Ảnh: AFP |
Tổng cộng 350 người đã thiệt mạng trong hàng loạt vụ tấn công bằng bom xe, tấn công liều chết vào đúng tháng Ramadan, tháng linh thiêng của người Hồi giáo, khoảng thời gian dành cho cầu nguyện và sự tha thứ. Trong đó, đáng chú ý là vụ tấn công gần Thánh đường Đấng tiên tri ở Medina (Saudi Arabia) - một trong những địa điểm linh thiêng nhất của người Hồi giáo vào ngày 4-7. Điều này cho thấy, IS luôn nỗ lực để thiết lập một vương quốc Hồi giáo và gieo rắc sự chia rẽ và nỗi sợ hãi.
Làn sóng bạo lực trong những ngày cuối cùng của tháng Ramadan được bắt đầu vào tuần trước, khi những kẻ khủng bố từ Raqqa, thành trì của IS ở Syria, đến Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) và tấn công sân bay quốc tế Ataturk, làm 45 người chết. Đêm 1-7, những kẻ khủng bố liên quan IS tấn công nhà hàng Holey Artisan Bakery ở khu đoàn ngoại giao Gulshan, thuộc thủ đô Dhaka của Bangladesh, bắt cóc và sát hại 20 con tin. Hai nhân viên cảnh sát cũng thiệt mạng trong vụ việc.
Tuần này, IS tuyên bố nhận trách nhiệm trong vụ đánh bom ở Baghdad làm 250 người chết. Đây là vụ tấn công đẫm máu nhất ở thủ đô này trong một thập niên qua. Riêng đối với 3 vụ đánh bom liều chết ở Saudi Arabia vào ngày 4-7, chưa chính thức khẳng định IS có liên quan hay không, nhưng các nhà chức trách vẫn nghi ngờ có bàn tay của tổ chức này. Bởi lẽ, trước đó, IS đã thực hiện hàng loạt vụ đánh bom tương tự nhằm vào cộng đồng người Hồi giáo Shi’ite và lực lượng an ninh ở Saudi Arabia.
Theo AP, một trong những nguyên nhân dẫn đến hàng loạt vụ tấn công như vậy là do IS để mất thành phố chính Fallujah (Iraq) nên lực lượng này thúc đẩy sức mạnh của mình. Học giả Fawaz Gerges ở London (Anh), nghiên cứu về các nhóm thánh chiến, cho rằng IS đang tiến hành “một cuộc chiến sống còn”.
Những tuần trước Ramadan, IS kêu gọi những người ủng hộ lực lượng này tấn công ở bất kỳ nơi đâu có thể. Cũng theo AP, trong thời đại công nghệ này, những lời kêu gọi dường như nhanh chóng tạo sự cộng hưởng trong số những thanh niên Hồi giáo vốn mang tâm lý thất vọng trên toàn cầu. Từ Omar Mateen, kẻ cam kết trung thành với IS và đã giết chết 49 người tại một hộp đêm dành cho người đồng tính ở Orlando (bang Florida, Mỹ) vào ngày 12-6 vừa qua, đến các chiến binh sát hại 45 người ở sân bay quốc tế Ataturk, đến những thanh niên giết chết 20 con tin ở Bangladesh cho thấy các phần tử cực đoan trên khắp thế giới có thể thực hiện các vụ tấn công có liên quan đến IS.
Tại Saudi Arabia, phát biểu nhân dịp lễ Eid al-Fitr, đánh dấu kết thúc tháng Ramadan, Quốc vương Salman khẳng định một thách thức lớn đối với nước này là bảo vệ niềm hy vọng cho giới trẻ. Ông nói rằng, Saudi Arabia sẽ sử dụng “bàn tay sắt” đối với những ai tìm cách hủy hoại tinh thần và tư tưởng của giới trẻ, nhưng các thanh niên ở vương quốc của ông cần cảnh giác và tự chủ trước “các mối nguy hiểm tiềm tàng, nhất là chủ nghĩa cực đoan”.
Tại Iraq, sau khi xảy ra vụ đánh bom làm rung chuyển Baghdad hôm 3-7, Bộ trưởng Nội vụ Mohammed Ghabban đã đệ đơn từ chức do người dân đổ lỗi chính phủ không bảo đảm được an ninh cho quốc gia vùng Vịnh này. Ông Ghabban nói rằng, chiếc xe chở bom đã xuất phát từ tỉnh Diyala, phía bắc Baghdad và đi qua trót lọt một trạm kiểm soát an ninh để tiến vào thủ đô.
Ở một đất nước luôn phải chứng kiến bạo lực như Iraq, các vụ đánh bom là chuyện thường thấy, nhất là từ khi IS chiếm giữ các khu vực miền bắc và miền tây vào tháng 6-2014, nhưng vụ việc hôm 3-7 gây sốc cho người dân nơi đây bởi có đến 250 người thiệt mạng.
PHÚC NGUYÊN