.

Thổ Nhĩ Kỳ sau cuộc đảo chính bất thành

.

Cuộc đảo chính quân sự trong đêm 15, rạng sáng 16-7 ở Thổ Nhĩ Kỳ được cho là củng cố quyền lực của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan thay vì lật đổ ông.

Những người ủng hộ Tổng thống Recep Tayyip Erdogan tập trung ở Quảng trường Taksim và reo hò sau khi cuộc đảo chính thất bại.  							                    Ảnh: AFP
Những người ủng hộ Tổng thống Recep Tayyip Erdogan tập trung ở Quảng trường Taksim và reo hò sau khi cuộc đảo chính thất bại. Ảnh: AFP

Ca hát, nhảy múa và vẫy quốc kỳ, hàng chục ngàn người Thổ Nhĩ Kỳ ngày 17-7 tuần hành trên khắp các đường phố sau cuộc đảo chính quân sự bất thành gây sốc cho đất nước này. Thay vì lật đổ Tổng thống Recep Tayyip Erdogan, cuộc đảo chính với 265 người chết và 1.440 người khác bị thương dường như củng cố thêm quyền lực của ông.

6.000 người bị bắt

Ngày 17-7, lực lượng an ninh bắt giữ thêm 52 quan chức quân đội, trong đó có Chuẩn tướng Bekir Ercan Van, bị cáo buộc liên quan đến cuộc đảo chính; đồng thời phát lệnh bắt giữ thêm 53 thẩm phán và công tố viên nhằm tiếp tục thanh lọc những thẩm phán đối lập với chính phủ. Các quan chức cho biết, khoảng 3.000 binh sĩ đã bị bắt. Một số lượng tương tự thẩm phán và công tố viên cũng bị sa thải.

Bộ trưởng Tư pháp Bekir Bozdag xác nhận có khoảng 6.000 người đã bị bắt và con số này sẽ tăng. Chính phủ Ankara cũng đề nghị Mỹ dẫn độ giáo sĩ Fethullah Gulen, hiện sống tại bang Pennsylvania, về Thổ Nhĩ Kỳ với cáo buộc đã lên kế hoạch và chỉ đạo âm mưu đảo chính. Giáo sĩ Gulen điều hành một phong trào tôn giáo có kinh phí hoạt động lên tới 1 tỷ USD. Song, ông từng là đồng minh trước khi là đối thủ chính trị của ông Erdogan và bị xét xử vắng mặt ở Thổ.

Tại cuộc họp báo ngày 16-7 ở Pennsylvania, ông Gulen bác bỏ vai trò của mình trong vụ đảo chính, trong khi Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nói rằng, Washington chấp nhận đề nghị dẫn độ Gulen nhưng Thổ sẽ phải đưa ra chứng cứ pháp lý xác đáng. Nhà ngoại giao này nhấn mạnh: Nước ông sẵn sàng cung cấp hỗ trợ chính phủ Thổ điều tra âm mưu đảo chính, đồng thời cảnh báo những cáo buộc hoặc phát biểu ám chỉ Mỹ liên quan là hoàn toàn sai và sẽ gây tổn hại đến mối quan hệ giữa hai nước.

Đảo chính diễn ra vào đêm 15-7 với các xe tăng xuất hiện trên đường phố Ankara và Istanbul khi Tổng thống Erdogan đang có kỳ nghỉ bên bờ biển. Những tiếng nổ và tiếng súng vang lên suốt đêm. Ông Erdogan thúc giục những người ủng hộ mình xuống đường để đối đầu với quân đội và xe tăng. Sau đó, lực lượng trung thành với chính phủ bắt đầu nắm lại quyền kiểm soát.

Trước lúc xảy ra chính biến, Thổ Nhĩ Kỳ - quốc gia thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và là đồng minh then chốt của phương Tây trong cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) rơi vào bất ổn chính trị với những chỉ trích rằng, quyền lực ngày càng tập trung vào ông Erdogan.

Quyền lực của Tổng thống Erdogan gia tăng

Các đồng minh NATO của Thổ chỉ trích vụ đảo chính. Tổng thống Mỹ Barack Obama, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg thúc giục tất cả các bên ủng hộ chính phủ dân sự được bầu một cách dân chủ ở Thổ. Theo một tuyên bố của Nhà Trắng, ông Obama kêu gọi các bên kiềm chế, hành động trong khuôn khổ luật pháp, tránh các hành động sẽ dẫn tới bạo lực và bất ổn hơn nữa. Washington cũng cảnh báo công dân nên cân nhắc khi đến Thổ vào thời điểm này.

Ở Anh, tân Ngoại trưởng Boris Johnson cho hay, ông đã trao đổi với người đồng cấp Mevlut Cavusoglu để nhấn mạnh về sự ủng hộ của London đối với chính phủ và thể chế của Thổ. Bộ Ngoại giao Anh khuyến cáo công dân xứ sở sương mù tại Thổ nên ở trong nhà, tránh những nơi công cộng, nhất là các cuộc biểu tình.  

Các nước Trung Đông bày tỏ sự ủng hộ Ankara. Qatar, một trong những đồng minh thân cận nhất của Thổ ở vùng Vịnh, lên án âm mưu đảo chính quân sự. Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif ca ngợi tinh thần của người dân Thổ trong việc bảo vệ dân chủ và chính phủ do họ bầu ra.

Hãng AP dẫn lời Cao ủy phụ trách đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Federica Mogherini cho rằng, Thổ phải lấy lại sự ổn định. Bộ Ngoại giao Nga bày tỏ quan ngại về căng thẳng ở Thổ. Tuyên bố của cơ quan này kêu gọi chính phủ và người dân Thổ giải quyết những vấn đề tồn tại mà không để xảy ra bạo lực, đồng thời tôn trọng hiến pháp. Theo Mátxcơva, bất ổn chính trị trong lúc các mối đe dọa khủng bố đang gia tăng ở trong nước và xung đột vũ trang ở khu vực sẽ dẫn đến nguy cơ cao cho sự ổn định của khu vực và quốc tế.

Thông qua điện thoại, Tổng thống Vladimir Putin đã đề nghị người đồng cấp Erdogan bảo vệ du khách Nga. Theo ông Putin, những hành động chống lại hiến pháp và bạo lực là không thể chấp nhận được. Người đứng đầu Điện Kremlin còn bày tỏ hy vọng về việc khôi phục trật tự và ổn định ở Thổ. Hai nhà lãnh đạo sẽ sớm gặp nhau, dự kiến vào tháng 8 tới, sau khi mối quan hệ giữa Mátxcơva và Ankara trải qua khủng hoảng.

Trả lời phỏng vấn hãng RIA Novosti, ông Aleksei Pushkov, Chủ tịch Ủy ban đối ngoại Duma Quốc gia Nga cho rằng, quyền lực của Tổng thống Erdogan sẽ gia tăng. Theo đó, nhà lãnh đạo Thổ sẽ sớm “thoát khỏi cuộc đối đầu hiện nay” và “mạnh lên đáng kể” bởi những thành phần không đáng tin cậy trong quân đội sẽ bị loại bỏ.

Điều đáng nói là sau vụ đảo chính, một số binh sĩ Thổ đã xin tị nạn chính trị tại Hy Lạp. Song, Ankara yêu cầu Athens giao nộp những trường hợp này và vụ việc có thể gây phức tạp thêm mối quan hệ vốn trắc trở giữa hai quốc gia láng giềng.

Thổ Nhĩ Kỳ từng trải qua 3 cuộc đảo chính: năm 1960, 1980 và 1997. Cuộc đảo chính lần thứ 4 xảy ra vào đêm 15, rạng sáng 16-7 được cho là “cuộc đảo chính lạ của thế kỷ 20 nhưng bị đánh bại bởi công nghệ và quyền lực nhân dân ở thế kỷ 21”.

Theo Reuters, Tổng thống Recep Tayyip Erdogan, thường bị cáo buộc can thiệp vào các phương tiện truyền thông, nay đã sử dụng công nghệ thông tin hiện đại để chuyển tải thông điệp đến gần 80 triệu dân. Cụ thể, ông đã dùng video Facetime trên điện thoại của phóng viên để phát thông điệp trực tiếp ở kênh CNN Thổ Nhĩ Kỳ, qua đó tập hợp những người ủng hộ.

Trong vòng 20 phút sau khi tin đảo chính được phát, trên Twitter, Thủ tướng Binali Yildirim chỉ trích cuộc chính biến và khẳng định với người dân Thổ rằng, tư lệnh quân đội không ủng hộ vụ việc này.

PHÚC NGUYÊN

;
.
.
.
.
.