Quốc tế
Thổ Nhĩ Kỳ truy lùng thủ phạm đảo chính
Tình trạng khẩn cấp được áp đặt trong 3 tháng ở Thổ Nhĩ Kỳ được cho là giải pháp gia tăng quyền lực của chính phủ để truy lùng những ai đứng sau vụ đảo chính bất thành vừa qua.
Những người ủng hộ Tổng thống Recep Tayyip Erdogan tuần hành tại Quảng trường Kizilay ở thủ đô Ankara. Ảnh: AFP |
Sau cuộc họp Hội đồng An ninh quốc gia kéo dài gần 5 giờ, sáng 21-7, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan ban bố tình trạng khẩn cấp trong 3 tháng. Đây là lần đầu tiên trong 15 năm qua Thổ áp đặt tình trạng này.
Phát biểu tại dinh thự tổng thống ở thủ đô Ankara, ông Erdogan cho biết, tình trạng khẩn cấp là cần thiết nhằm nhanh chóng loại bỏ những phần tử của tổ chức khủng bố liên quan đến âm mưu đảo chính. Theo ông, tình trạng khẩn cấp hoàn toàn phù hợp với Hiến pháp Thổ Nhĩ Kỳ và không vi phạm luật pháp hay các quyền tự do cơ bản của công dân. Ông nhấn mạnh, giải pháp này sẽ cho phép Thổ quét sạch “những kẻ khủng bố” có liên quan đến giáo sĩ Fethullah Gulen, người bị cho là chủ mưu của cuộc đảo chính bất thành. Ông Gulen hiện sống ở bang Pennsylvania (Mỹ) và có thể sẽ bị dẫn độ về Thổ Nhĩ Kỳ nếu Mỹ chấp thuận yêu cầu của chính phủ Ankara.
Tuy nhiên, theo AFP, trong gần một tuần qua kể từ sau cuộc đảo chính làm 312 người chết, xuất hiện mối quan ngại về việc Thổ Nhĩ Kỳ có tôn trọng luật pháp hay không và sự bất ổn ở quốc gia là thành viên của NATO này. Song, Tổng thống Erdogan khẳng định: Nền dân chủ ở nước ông không bị phương hại.
Một quan chức Thổ Nhĩ Kỳ nói rằng, tình trạng khẩn cấp sẽ trao thêm cho chính phủ quyền lực trong việc hạn chế đi lại nhưng không hạn chế các hoạt động tài chính hay thương mại. Lệnh này cũng cho phép Tổng thống và nội các thông qua những luật mới, hạn chế hay đình chỉ các quyền và quyền tự do khi được xem là cần thiết, mà không cần sự chấp thuận của Quốc hội.
Năm 2002, Thổ Nhĩ Kỳ dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp, được áp đặt ở các tỉnh đông nam trong cuộc chiến chống các chiến binh người Kurd năm 1987. Điều 120 Hiến pháp Thổ Nhĩ Kỳ cho phép áp đặt tình trạng khẩn cấp “vào thời điểm trật tự xã hội xấu đi nghiêm trọng do các hoạt động bạo lực”.
Giờ đây, sau khi tuyên bố tình trạng khẩn cấp tại một cuộc họp báo, thông qua một liên kết video, Tổng thống Erdogan nói chuyện với những đám đông vẫn có mặt tại các quảng trường trên khắp cả nước. Ông cảnh báo, phe đối lập có thể có “những hành động khiêu khích mới”. Vì vậy, ông thúc giục những người ủng hộ mình lưu lại ở các quảng trường trên khắp đất nước để bảo vệ nền dân chủ. Nhà lãnh đạo này cũng khẳng định sẽ có thêm những vụ bắt giữ đối với các nhân vật được công chúng biết đến.
Trong cuộc trấn áp “mạnh tay” của Tổng thống Erdogan sau vụ đảo chính bất thành, không chỉ các binh sĩ mà còn cả thẩm phán, công tố viên và luật sư đã bị bắt. AFP cho biết, có đến 50.000 nhân viên nhà nước hoặc bị bắt, hoặc bị sa thải. Hơn 20.000 người bị sa thải trong lĩnh vực giáo dục…
Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier thúc giục Thổ Nhĩ Kỳ chỉ nên áp đặt tình trạng khẩn cấp trong một khoảng thời gian thực sự cần thiết và chấm dứt biện pháp này càng sớm càng tốt. Ông Steinmeier kêu gọi Ankara duy trì cả nguyên tắc pháp quyền lẫn sự cân bằng trong trấn áp sau vụ đảo chính.
Các chuyên gia, nhà quan sát dự báo, chiến dịch thanh trừng khốc liệt mà ông Erdogan đang tiến hành sẽ châm ngòi cho làn sóng biểu tình trong những ngày tới; đồng thời đặt ra những nghi ngại về tính hiệu quả của quân đội, tòa án và các thể chế khác đang bị thanh trừng. Hơn nữa, cuộc đảo chính vừa qua tuy thất bại nhưng những gì gọi là “hậu đảo chính” đang gây lo ngại cho giới đầu tư về sự ổn định chính trị, tính bền vững của nền kinh tế và hệ thống tài chính của Thổ.
PHÚC NGUYÊN