Vụ tấn công xảy ra tại sân bay chính ở Istanbul khiến 44 người chết và hàng trăm người bị thương làm Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan rơi vào tình thế ngày càng “dễ tổn thương” hơn bao giờ hết.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan. Ảnh: EPA |
Thực tế, để bị rơi vào “thế khó”, ông Erdogan có thể trách móc hành động liên đới của các các nước đồng minh lẫn những lực lượng được cho là kẻ thù của Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng trong đó cũng có một phần nguyên nhân đến từ chính những việc làm và lựa chọn của ông.
Kể từ khi bạo loạn nổ ra ở Syria, ông Erdogan đã tranh thủ cuộc xung đột đó như một cơ hội để đàn áp thẳng tay đảng Công nhân người Kurd (PKK), một nhóm chiến binh trong suốt nhiều thập niên đối địch với chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ và cũng bị Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) xem như tổ chức khủng bố.
Với đối sách đó, chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục đổ thêm dầu vào lửa với mối bất bình của người Kurd. Đương nhiên, PKK đã đáp trả bằng hàng loạt vụ tấn công nhằm vào lực lượng chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ, chủ yếu là các trụ sở an ninh như các đồn cảnh sát. Các vụ tấn công của PKK với lực lượng cầm quyền ở Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng cả về số lượng lẫn tần suất trong 5 năm qua.
Tuy nhiên, ở một góc độ nào đó, những cuộc tấn công này lại làm lợi cho ông Erdogan. Vị Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đã tranh thủ điều này để thể hiện ông là người duy nhất có thể bảo vệ Ankara khỏi chủ nghĩa khủng bố.
Chiêu thức đó trên thực tế cũng đã phát huy hiệu quả trong một thời gian, giúp ông Erdogan có thể sử dụng nỗi lo sợ bất ổn của người dân như công cụ vận động tranh cử hiệu quả và đảng của ông đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Quốc hội gần đây nhất.
Tuy nhiên, việc tập trung và dồn mọi tiềm lực để trấn áp PKK cũng đồng nghĩa với việc các nguồn lực an ninh buộc phải chia sẻ và khiến nhà cầm quyền Thổ Nhĩ Kỳ lơ là các nguy cơ an ninh khác, trong đó có IS.
Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ xem IS như công cụ tiện lợi giúp họ lật đổ chính phủ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Thậm chí, một số thành phần trong chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ tỏ ra có thiện cảm với IS cũng bởi lý do này. Vì thế, vô hình trung, Thổ Nhĩ Kỳ hoặc không kiểm soát hết, hoặc nhắm mắt làm ngơ, để mặc các chiến binh IS tuồn qua các khu vực đường biên giới. Ông Erdogan không dám mạnh tay với IS vì sợ bị chúng trả thù ngay trên lãnh thổ nước mình.
Thái độ lập lờ của Thổ Nhĩ Kỳ với IS rốt cuộc lại đẩy ông Erdogan vào thế phải chịu hai luồng áp lực cùng lúc, một từ Mỹ, một từ Nga.
Nhà Trắng hối thúc Thổ Nhĩ Kỳ hợp tác với liên quân quốc tế chống IS và Ankara miễn cưỡng chấp nhận, xem đó là cách để loại bỏ ông Assad. Trong khi đó, Nga tỏ ra không hài lòng với quan điểm muốn thay đổi chính quyền tại Syria của Mỹ. Cộng thêm việc Thổ vốn được xem là đối thủ cạnh tranh về kinh tế, chính trị với Nga và Ankara bắn hạ máy bay của Nga hồi tháng 11 năm ngoái nên quan hệ giữa hai nước “đóng băng”.
Đáp lại sự tức giận của Nga, ông Erdogan tiếp tục có những hành động thách thức. Tuy nhiên, sau đó, cả Mỹ và Nga cùng ủng hộ các nhóm người Kurd tại Bắc Syria. Và vì những nhóm người này có liên hệ với PKK nên ông Erdogan rơi vào tình thế mắc kẹt, không biết làm sao với cả Nga và Mỹ.
Không có đồng minh “chống lưng” trong khu vực, bị dồn áp lực từ cả phương Tây và phương Đông, loạn lạc trong nước bùng nổ từ cả PKK và IS, ông Erdogan không còn cách nào hơn là phải tìm cách thỏa hiệp, hàn gắn những mối quan hệ với Israel và Nga.
Ở thời điểm IS đang đối mặt với sự trấn áp gay gắt tại Syria và Iraq, sự yếu ớt của ông Erdogan đang khiến IS có một “cơ hội vàng” để lấy lại những gì đã mất. Còn ông Erdogan có vượt qua được thời khắc gian nan này không thì phải chờ xem.
TRẦN ĐẮC LUÂN