Quốc tế
Trước giờ PCA ra phán quyết Trung Quốc bắn tên lửa ở Biển Đông
Trong cuộc tập trận đang diễn ra ở khu vực quần đảo Hoàng Sa trên Biển Đông, Trung Quốc đã sử dụng tên lửa thật.
Tân Hoa xã công bố hình ảnh cho thấy Trung Quốc bắn tên lửa thật khi tập trận trên Biển Đông. Ảnh: AP |
Theo nhật báo PLA Daily, hải quân Trung Quốc ngày 8-7 vừa qua đã tiến hành các cuộc diễn tập “giao tranh” với các tên lửa thật ở khu vực nằm giữa quần đảo Hoàng Sa và đảo Hải Nam. Đài truyền hình Nhà nước Trung Quốc (CCTV) phát sóng hình ảnh các máy bay tiêm kích và chiến hạm đang bắn các tên lửa, các máy bay trực thăng đang cất cánh và các tàu ngầm di chuyển. Đây là một phần trong cuộc tập trận của hải quân Trung Quốc ở khu vực quần đảo Hoàng Sa trên Biển Đông kéo dài từ ngày 5-7 đến 11-7, tức kết thúc trước một ngày Tòa án trọng tài thường trực quốc tế (PCA) ở The Hague (Hà Lan) ra phán quyết về vụ Philippines kiện Trung Quốc liên quan đến các tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông - tuyến đường vận chuyển kết nối Đông Á với châu Âu và Trung Đông; đồng thời mang lại 5.000 tỷ USD giao dịch thương mại khi các tàu qua lại hằng năm.
Tàu chiến thuộc Hạm đội Nam Hải cùng các lực lượng thuộc Hạm đội Bắc Hải, Hạm đội Đông Hải cũng góp mặt trong cuộc tập trận thường niên này. Ngoài ra, còn có sự tham gia của máy bay, tàu ngầm, tàu chiến cùng các lực lượng bảo vệ bờ biển, nhằm kiểm soát không phận, huấn luyện khả năng chiến đấu của hải quân và tác chiến chống tàu ngầm.
Trước đó, Cục An toàn Hàng hải Trung Quốc đã đăng tải một thông báo trên trang web chính thức của Cục, yêu cầu tất cả các tàu dân sự không đến khu vực tập trận của nước này.
Phát biểu với tờ Thời báo Hoàn cầu, một quan chức Bộ Quốc phòng Trung Quốc nói rằng, đây là cuộc tập trận thường xuyên được lên kế hoạch thường niên. Theo các nhà phân tích, thông qua cuộc tập trận, Trung Quốc muốn thể hiện khả năng tấn công, phòng thủ của nước này. Bên cạnh đó, trong thời gian gần đây, Trung Quốc cũng liên tục có những động thái dằn mặt Mỹ trước thềm phán quyết của PCA.
Hãng AFP dẫn lời các chuyên gia pháp lý nhận định: Sau 3 năm thảo luận, cùng 2 phiên điều trần và gần 4.000 trang chứng cứ, tòa án ở The Hague có thể tuyên bố theo hướng có lợi cho Philippines. Phán quyết của PCA, tòa án trọng tài quốc tế lâu đời nhất thế giới, dự kiến được đưa ra lúc 11 giờ ngày 12-7 có thể làm gia tăng căng thẳng ở Đông Nam Á.
Philippines đã khởi kiện Trung Quốc từ năm 2013 sau 17 năm đàm phán bế tắc về mọi giải pháp chính trị và ngoại giao. Theo đó, Manila không yêu cầu tòa giải quyết chủ quyền hoặc phân định ranh giới, mà quyết định một số điểm chính: bác bỏ tuyên bố của Trung Quốc về “đường chín đoạn”; xác định một số thực thể là đảo, đá, bãi nửa nổi nửa chìm hay bãi chìm; tuyên Bắc Kinh vi phạm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS).
Philippines cho rằng, yêu sách “đường chín đoạn” là không có cơ sở, căn cứ theo luật pháp quốc tế và trong lịch sử, Bắc Kinh vốn không có chủ quyền đối với vùng biển này.
Bắc Kinh từ chối theo đuổi vụ kiện, đồng thời tuyên bố sẽ không tuân thủ phán quyết vì cho rằng PCA “không có thẩm quyền” trong vấn đề này. Mặc dù Trung Quốc từ chối tham gia nhưng tiến trình trọng tài vẫn được tiếp tục. Theo đó, phán quyết được kỳ vọng sẽ giúp vạch trần hoặc giảm bớt các yêu sách mơ hồ về mặt pháp lý đối với Biển Đông. Tuy nhiên, sẽ không có cơ sở nào để buộc Trung Quốc phải tuân theo phán quyết.
Căng thẳng giữa Trung Quốc với các nước láng giềng châu Á như: Philippines, Việt Nam, Malaysia, Brunei và Đài Loan, đang gia tăng xung quanh vấn đề tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông. Cuối tuần trước, Mỹ kêu gọi “hai bên tuân thủ phán quyết và thúc giục các bên tranh chấp tránh những hành động cũng như những tuyên bố khiêu khích”. “Dù kết quả như thế nào đi nữa, vụ việc cũng sẽ không góp phần cải thiện quan hệ giữa Trung Quốc với các nước có tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông”, nhà nghiên cứu cấp cao Frans-Paul van der Putten tại Viện Clingendael (Hà Lan) nhận định với AFP.
Riêng Philippines bày tỏ hy vọng có thể sớm đối thoại trực tiếp với Trung Quốc ngay sau phán quyết để bàn về việc chia sẻ khai thác tài nguyên dầu khí và ngư trường trong vùng đặc quyền kinh tế chồng lấn.
PHÚC NGUYÊN