Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) có trụ sở tại thủ đô Washington (Mỹ) sẽ tổ chức Hội thảo Biển Đông thường niên lần thứ 6 vào ngày 12-7 tới. Đây là diễn đàn để giới chuyên gia, học giả của Mỹ cũng như các nước trao đổi về những diễn biến mới nhất và phân tích các lựa chọn chính sách tại vùng biển này. Đại diện của Việt Nam tham dự Hội thảo Biển Đông thường niên lần thứ 6 là PGS,TS Nguyễn Vũ Tùng, quyền Giám đốc Học viện Ngoại giao.
Theo phóng viên TTXVN tại Washington, Hội thảo Biển Đông thường niên lần thứ 6 năm 2016 do chương trình Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á của CSIS tổ chức sẽ diễn ra trong 1 ngày và được chia thành 4 phiên thảo luận chính gồm: vấn đề pháp lý và các bước đi tiếp theo ở Biển Đông; tình hình Biển Đông trong năm 2016; quân sự hóa và xây dựng năng lực ở Biển Đông; vấn đề môi trường.
Các chuyên gia, học giả sẽ thảo luận về những vấn đề tồn đọng từ lâu cũng như các diễn biến mới nổi thời gian gần đây tại một trong những tuyến hàng hải quan trọng nhất thế giới này, đồng thời thời đánh giá về những tác động địa chiến lược đối với khu vực.
Đặc biệt, lần đầu tiên hội thảo của CSIS có một phiên thảo luận về những thiệt hại đối với môi trường và hệ sinh thái Biển Đông bắt nguồn từ những hoạt động tăng cường quân sự mới đây.
Hội thảo Biển Đông thường niên năm 2016 được dư luận đặc biệt quan tâm vì sự kiện này diễn ra đúng ngày Tòa án trọng tài thường trực quốc tế (PCA) có trụ sở tại The Hague (Hà Lan) dự kiến ra phán quyết về vụ Philippines kiện các tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông.
Trước thời điểm PCA ra phán quyết, tại cuộc họp báo ở thủ đô Bắc Kinh với Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị ngày 7-7, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon cho biết, ông đã nhấn mạnh với Bắc Kinh về sự cần thiết phải giải quyết những bất đồng về Biển Đông một cách hòa bình. Trung Quốc vốn tuyên bố PCA không có thẩm quyền xét xử vụ kiện này và cũng không tham gia hay chấp nhận phán quyết của tòa.
Tại cuộc hội thảo với chủ đề “Phân xử Biển Đông: Dự đoán các bước đi và biện pháp đối phó tiếp theo” cũng do CSIS tổ chức hôm 20-6 vừa qua, các học giả đã đưa ra những phân tích và dự báo về phán quyết của PCA đối với vụ kiện của Philippines, trong đó phần lớn các chuyên gia CSIS đều nhận định: Kịch bản dễ xảy ra nhất là PCA sẽ bác bỏ “đường chín đoạn” (đường lưỡi bò) không có cơ sở pháp lý của Trung Quốc ở Biển Đông.
TTXVN