Quốc tế

Brazil trong "cơn bão" khủng hoảng chính trị

09:04, 30/08/2016 (GMT+7)

Ngày 29-8, Tổng thống Brazil Dilma Rousseff lần đầu tiên ra điều trần tại Thượng viện vì cáo buộc vi phạm luật ngân sách quốc gia. Bà có thể bị bãi nhiệm và người thay thế sẽ là Tổng thống lâm thời Michel Temer.

Tổng thống Dilma Rousseff từng được đông đảo dân chúng ủng hộ và gọi là “bà đầm thép” của Brazil.  							                Ảnh: AP
Tổng thống Dilma Rousseff từng được đông đảo dân chúng ủng hộ và gọi là “bà đầm thép” của Brazil. Ảnh: AP

Hãng AFP dẫn lời các nhà phân tích cảnh báo, nếu bà Rousseff bị kết tội và bị bãi nhiệm vì đã làm giả số liệu để che đậy thâm hụt ngân sách trước kỳ bầu cử năm 2014, ông Temer chính thức nắm quyền, Brazil sẽ rơi vào khủng hoảng chính trị sâu sắc hơn. Nhà lãnh đạo mới phải đối mặt với các thách thức về chính trị, kinh tế, xã hội để đưa nền kinh tế lớn nhất Mỹ Latinh ra khỏi suy thoái.

Bà Rousseff đã bác bỏ mọi sai trái và lên án tiến trình luận tội trong 9 tháng làm tê liệt nền chính trị Brazil thực chất là một âm mưu nhằm lật đổ bà. Một số nhân chứng được triệu tập cũng khẳng định, bà không vi phạm luật ngân sách và các sắc lệnh mà bà từng ban hành hoàn toàn hợp hiến. Tuy nhiên, trong cuộc khủng hoảng sâu sắc này, người Brazil đổ lỗi cho bà và scandal tham nhũng lớn liên quan đến Tập đoàn dầu khí quốc gia Petrobras cũng hủy hoại danh tiếng của “bà đầm thép” kể từ khi bà tái đắc cử vào năm 2014.

Phó Tổng thống của bà, ông Michel Temer, giữ chức Tổng thống lâm thời từ giữa tháng 5 vừa qua đến nay. Nếu Tổng thống Rousseff bị Thượng viện kết tội trong ngày 30-8 hoặc 31-8, ông Temer (75 tuổi) sẽ tuyên thệ nhậm chức và nắm quyền đến hết nhiệm kỳ hiện nay của bà Rousseff (đến tháng 12-2018). Điều này cũng sẽ chấm dứt 13 năm cầm quyền của đảng Công nhân. Chính phủ lâm thời của ông Temer cam kết thực hiện các chính sách thắt lưng buộc bụng để giảm mức thâm hụt ngân sách đang gia tăng của Brazil.

Hãng Reuters cho biết, ông Temer tin tưởng rằng, ông sẽ có đủ 2/3 số phiếu (54/81 thượng nghị sĩ) ủng hộ việc phế truất bà Rousseff. Ông Temer dự kiến có bài phát biểu vào ngày 31-8 trước khi lên đường đến Trung Quốc để tham dự Hội nghị thượng đỉnh các nền kinh tế lớn (G20). “Chúng tôi cần 54 phiếu và chúng tôi hy vọng có ít nhất 60 phiếu”, Marcio de Freitas, người phát ngôn báo chí của ông Temer, nói với Reuters.

Thăm dò do báo O Globo công bố ngày 28-8 cho thấy, 53 thượng nghị sĩ sẽ bỏ phiếu chống bà Rousseff và chỉ 18 thượng nghị sĩ ủng hộ bà. 10 thượng nghị sĩ khác không bày tỏ chính kiến hoặc không được hỏi trong cuộc thăm dò này. Thượng nghị sĩ ôn hòa Cristovam Buarque nói rằng, bà Rousseff đã mất sự ủng hộ ở Quốc hội và không thể điều hành đất nước hiệu quả nữa. “Tôi sẽ bỏ phiếu chống lại bà, mặc dù tôi nghĩ đến bi kịch của việc phế truất một tổng thống được bầu cử, nhưng 2,5 năm nữa trong nhiệm kỳ chính phủ của bà Rousseff sẽ tồi tệ”, ông Buarque nói.

Trong khi đó, Thượng nghị sĩ Helio Jose không tiết lộ về lá phiếu của mình. Tuy nhiên, Reuters cho biết, trả lời phỏng vấn qua điện thoại, ông Jose khẳng định Tổng thống lâm thời Temer đang làm tốt việc khôi phục sự ổn định đất nước kể từ khi nắm quyền thay bà Rousseff.

Đất nước Brazil dưới sự điều hành của bà Rousseff rơi vào cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất trong nhiều thập niên với tỷ lệ thất nghiệp trên 11%. Ngoài ra, hàng chục chính trị gia đồng minh của bà bị cáo buộc liên quan đến scandal tham nhũng ở Tập đoàn dầu khí quốc gia Petrobras, trong đó có Lula da Silva cùng vợ Marisa Letícia Rocco.

Các nhà quan sát cho rằng, trong lúc này, người dân Brazil dường như không quan tâm việc Tổng thống có sai phạm hay không. Họ chỉ quan tâm và mong muốn có một chính phủ quản lý nền kinh tế hiệu quả hơn.  

BÌNH YÊN

.