.
Cuộc khủng hoảng ở Syria

Mỹ - Nga tìm tiếng nói chung

.

Mỹ và Nga đang thúc đẩy một thỏa thuận ngừng bắn mới ở Syria nhưng cuộc đàm phán marathon tại Geneva (Thụy Sĩ) giữa hai cường quốc này vẫn chưa mang lại kết quả.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (trái) và người đồng cấp Nga Sergei Lavrov gặp gỡ tại Geneva (Thụy Sĩ).  	              Ảnh: AFP
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (trái) và người đồng cấp Nga Sergei Lavrov gặp gỡ tại Geneva (Thụy Sĩ). Ảnh: AFP

Cuộc gặp gỡ giữa Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và người đồng cấp Nga Sergei Lavrov trong gần 12 tiếng đồng hồ tại Geneva hồi cuối tuần qua được cho là “bước đi rất quan trọng” trong nỗ lực tìm kiếm hòa bình cho Syria. Cả hai bên đều hướng đến một lệnh ngừng bắn mới nhưng vẫn chưa đạt được thỏa thuận cuối cùng. Nguyên nhân là còn “những trở ngại kỹ thuật” chưa được tháo gỡ.

Hãng AFP dẫn lời Ngoại trưởng Kerry xác nhận: “Hôm nay, tôi có thể tuyên bố rằng, chúng tôi đã đạt được sự thông suốt về lộ trình tiến tới” một lệnh ngừng bắn đã được cải thiện đối với cuộc xung đột này. Ông cũng cho biết, hai bên đã thống nhất về nhiều trở ngại kỹ thuật cho lệnh ngừng bắn nhưng còn một số vấn đề vẫn chưa được giải quyết. Trong khi đó, phát biểu với báo giới, Ngoại trưởng Lavrov cũng nói rằng, Mátxcơva và Washington đã thực hiện “những bước đi rất quan trọng” để tiến tới một thỏa thuận chấm dứt bạo lực ở Syria.

Việc hai nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ và Nga nhóm họp làm dấy lên hy vọng về khả năng kết thúc cuộc nội chiến kéo dài 5,5 năm ở Syria hoặc sẽ diễn ra một vòng đàm phán mới về hòa bình do Liên Hợp Quốc hậu thuẫn. Ông Kerry nói rằng, các chuyên gia Mỹ và Nga sẽ tiếp tục gặp gỡ tại Geneva trong những ngày tới để bàn thảo về một loạt vấn đề chưa được giải quyết.

Lệnh ngừng bắn trước đó được các bên thống nhất hồi đầu năm nay. Tuy nhiên, lệnh ngừng bắn này đã sụp đổ do bạo lực cứ tiếp diễn. Mỹ và Nga ủng hộ các bên đối lập nhau trong cuộc xung đột Syria, vốn bùng phát vào tháng 3-2011. Mỹ ủng hộ liên minh đối lập chính và một số phiến quân ở Syria, trong khi Nga ủng hộ chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad.  

Ngày 26-8, ông Kerry chỉ ra 2 ưu tiên chính để bảo đảm đạt được lệnh ngừng bắn: ứng phó với việc vi phạm lệnh ngừng bắn của chính phủ Assad và kiểm tra ảnh hưởng đang gia tăng của Mặt trận Al-Nusra, từng là chi nhánh Al-Qaeda ở Syria. Sau khi tách khỏi Al-Qaeda, Mặt trận Al-Nusra lấy tên là Mặt trận Fateh al-Sham. Song, ông Kerry nhấn mạnh: “Nusra là Al-Qaeda”.

Trong cuộc gặp giữa Ngoại trưởng Kerry và người đồng cấp Lavrov còn có sự tham gia của đặc sứ Liên Hợp Quốc tại Syria, ông Staffan de Mistura. Với vai trò trung gian hòa giải, ông Mistura mong muốn nối lại các cuộc đàm phán đang bị đình trệ để kết thúc cuộc xung đột ở Syria, vốn đã làm hơn 290.000 người chết và hàng triệu người rời bỏ nhà cửa. Ông Mistura hy vọng đưa các bên liên quan trở lại bàn nghị sự vào cuối tháng 8 này, nhưng kế hoạch một lần nữa bị bỏ lỡ do tình hình chiến sự ở Syria vẫn căng thẳng.

Cả ông Kerry lẫn ông Lavrov đều nhấn mạnh việc cần thiết nối lại đàm phán để tìm một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng ở Syria. Tuy nhiên, cuộc nội chiến ở quốc gia Trung Đông này khó đi đến hồi kết khi Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu chiến dịch không kích với chiến dịch “Lá chắn sông Euphrates”. Mục tiêu của Thổ Nhĩ Kỳ là quét sạch tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở Syria nhưng các nhà quan sát cho rằng, Ankara thật sự muốn nhắm vào lực lượng người Kurd để ngăn chặn hình thành một vùng lãnh thổ liên tục của người Kurd dọc biên giới Thổ Nhĩ Kỳ.

VĨNH AN

;
.
.
.
.
.