Trong khi dư âm của vụ đảo chính bất thành chưa lắng xuống, Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục trải qua một đêm kinh hoàng với ít nhất 50 người chết và 94 người khác bị thương trong vụ đánh bom ở thành phố Gaziantep. Tổng thống Recep Tayyip Erdogan cáo buộc tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) là thủ phạm.
Vụ nổ xảy ra ở thành phố Gaziantep, phía đông nam Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: AP |
Hãng AFP cho biết, vụ đánh bom xảy ra vào tối 20-8 nhằm vào một đám cưới đông khách ở quận Sanhibey, thành phố và cũng là tỉnh Gaziantep, gần biên giới Syria. Tham dự đám cưới có nhiều người Kurd và quận Sahinbey là nơi có đông dân người Kurd.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan nói rằng, nhiều khả năng IS là thủ phạm và nhằm vào một buổi lễ có đông người Kurd tham dự. Đây là vụ tấn công mới nhất trong một năm đầy biến động của Thổ, quốc gia thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) này.
Thống đốc tỉnh Gaziantep, ông Ali Yerlikaya, xác nhận có nhất 50 người chết, tăng so với con số được công bố trước đó là 30 người chết. Trong khi đó, Phó Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Mehmet Simsek gọi đây là vụ đánh bom liều chết. “Mục đích của khủng bố là đe dọa mọi người nhưng chúng ta sẽ không cho phép điều này”, ông Simsek nói. Thủ tướng Binali Yildrim chỉ trích vụ đánh bom và cam kết trừng trị nghiêm những kẻ gây tội ác, đồng thời quyết tâm đẩy mạnh cuộc chiến chống khủng bố.
Theo hãng thông tấn Dogan, cô dâu Besna và chú rể Nurettin Akdogan đến từ tỉnh Siirt, khu vực chủ yếu người Kurd sinh sống; cả hai đang được điều trị tại bệnh viện nhưng không bị thương nghiêm trọng. Một số thành viên đảng Dân chủ Nhân dân (HDP) thân người Kurd cũng có mặt tại lễ cưới.
Hiện chưa có tổ chức nào nhận trách nhiệm về vụ tấn công nhưng giới chức Thổ cho rằng, có thể có bàn tay của IS hoặc đảng Công nhân người Kurd (PKK).
Trong một tuyên bố, Tổng thống Erdogan khẳng định: Không có gì khác biệt giữa nhóm của giáo sĩ Fethullah Gulen, người đang sống tại Mỹ và bị cáo buộc đứng sau vụ đảo chính bất thành, với Daesh (tức IS) - thủ phạm của vụ tấn công ở Gaziantep. “Đất nước chúng tôi và dân tộc chúng tôi lại chỉ có một thông điệp gửi đến những kẻ tấn công chúng tôi - các người sẽ không thành công”, ông Erdogan nói. Nhà lãnh đạo Thổ nhấn mạnh: Mục đích của các vụ tấn công là gây chia rẽ giữa các nhóm khác nhau ở Thổ như: Arab, Kurd, người Turkmen, phát tán tư tưởng kích động dân tộc và tôn giáo. Nhiều nhóm thánh chiến xem người Kurd là một trong những kẻ thù chính khi các chiến binh người Kurd đóng vai trò đáng kể trong chiến chống IS ở Syria.
Cách biên giới Syria 60km về phía bắc, Gaziantep là thành phố tự trị và cũng là một tỉnh của Thổ Nhĩ Kỳ, được xem là nơi trú ẩn cho người dân Syria lánh nạn, thoát cuộc nội chiến, dẫn đến mối quan ngại các phần tử khủng bố có thể trà trộn tại đây. Hãng Dogan cho biết, các nhà chức trách đang truy tìm 2 nghi phạm, những người đã tiến vào hội trường đám cưới và sau đó đã rời đi.
Trong năm nay, IS đã thực hiện các vụ tấn công ở thành phố Istanbul một vài lần, trong khi các chiến binh người Kurd nhằm vào các mục tiêu cả ở Ankara lẫn Istanbul. Vụ tấn công ở Gaziantep lần này xảy ra chỉ vài giờ sau khi Thủ tướng Yildrim cam kết trong 6 tháng tới, Ankara sẽ đóng vai trò chủ động hơn trong việc giải quyết cuộc xung đột tại Syria, trong đó để ngỏ khả năng về sự hợp tác với Iran và Syria.
Đáng nói là Thổ Nhĩ Kỳ đang rơi vào tình trạng bất ổn sau cuộc đảo chính bất thành hồi tháng trước. Điều này đặt ra nhiều khó khăn cho Tổng thống Erdogan trong việc bảo đảm an ninh cho đất nước.
Mỹ xem xét cáo buộc đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ Các quan chức Bộ Tư pháp và Bộ Ngoại giao Mỹ sẽ đến thủ đô Ankara để bàn thảo với chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ về những cáo buộc chống lại giáo sĩ Fethullah Gulen, người đang sống ở Pennsylvania (Mỹ) và bị cho là đứng sau vụ đảo chính bất thành hồi tháng trước. Tổng thống Recep Tayyip Erdogan đã yêu cầu Mỹ dẫn độ giáo sĩ Gulen. Các quan chức Thổ cho rằng, việc từ chối dẫn độ ông Gulen về nước để xét xử sẽ gây căng thẳng cho quan hệ giữa hai nước đồng minh NATO. Ông Gulen bác bỏ mọi cáo buộc liên quan đến vụ đảo chính. |
VĨNH AN