Quốc tế
EU tìm giải pháp sau "cú sốc" Brexit
Bảo vệ sự thống nhất của Liên minh châu Âu (EU) sau “cú sốc” Brexit (Anh rời EU) là nội dung chính được bàn thảo trong cuộc gặp gỡ giữa 3 nhà lãnh đạo Ý, Đức và Pháp ngày 22-8.
Tổng thống Pháp Francois Hollande (trái), Thủ tướng Đức Angela Merkel (giữa) và Thủ tướng Ý Matteo Renzi muốn bảo vệ sự thống nhất của Liên minh châu Âu. Ảnh: AFP |
Cuộc gặp giữa Thủ tướng Ý Matteo Renzi, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Francois Hollande diễn ra trên đảo Ventotene, ngoài khơi thành phố Napoli của Ý trước thềm Hội nghị thượng đỉnh EU, dự kiến được tổ chức vào tháng 9 tới tại thủ đô Bratislava của Slovakia.
Đây là lần thứ hai 3 nhà lãnh đạo nói trên nhóm họp. Lần trước đó, bộ ba đã gặp gỡ ngay sau cuộc bỏ phiếu gây sốc của Anh vào ngày 23-6.
Hãng AFP cho biết, chương trình nghị sự lần này gồm nhiều vấn đề như: Triển vọng kinh tế của châu Âu, các cuộc tấn công của các nhóm thánh chiến, cuộc khủng hoảng người tị nạn và nhập cư, xung đột ở Syria, mối quan hệ giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ. Đáng quan tâm hơn hết vẫn là việc đề ra lộ trình cho EU nhằm bảo vệ sự thống nhất của khối sau khi Anh chọn phương án Brexit. Song, việc hoạch định lộ trình làm vừa lòng tất cả các thành viên EU là điều không dễ khi Cộng hòa Czech, Hungary, Ba Lan và Slovakia tuyên bố sẽ theo gương Anh, đồng thời soạn thảo những kế hoạch riêng của họ mà EU sẽ không đóng vai trò trung tâm. Hiện quan ngại dấy lên về việc có thể những cuộc trưng cầu dân ý tương tự sẽ diễn ra ở một số nước, nhất là Hà Lan - quốc gia vốn phản đối việc áp đặt hạn ngạch bắt buộc phân bổ tiếp nhận người nhập cư trong EU. Thủ tướng Hungary Viktor Orban cũng đã kêu gọi tiến hành trưng cầu dân ý ở nước ông vào ngày 2-10 tới để xem xét có chấp nhận hạn ngạch phân bổ người nhập cư hay không.
Về cuộc khủng hoảng tị nạn và nhập cư, EU có kế hoạch cung cấp ưu đãi cho các chính phủ châu Phi để họ giúp ngăn chặn dòng chảy người di cư đổ vào châu Âu. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo EU chưa tháo gỡ được những bất đồng xung quanh vấn đề này.
Phát biểu tại cuộc gặp, Thủ tướng nước chủ nhà Renzi đề cập “2 biểu tượng trong 1, đó là giá trị lý tưởng và những cam kết cụ thể”. Ông nói rằng, châu Âu cần vượt qua cuộc bỏ phiếu Brexit và làn sóng tấn công của các chiến binh trong thời gian gần đây, đồng thời tái khẳng định vai trò của mình.
Với nợ nần chồng chất, Ý nhiều lần chống lại những quy định ngân sách hà khắc của EU. Không chỉ ông Renzi mà cả Tổng thống Pháp Hollande đều muốn sự linh hoạt hơn nhằm thúc đẩy tăng trưởng. Trong quý 2 vừa qua, kinh tế tăng trưởng chậm ở khắp EU, nhất là Pháp và Ý.
Trong khi đó, Đức vẫn muốn tôn trọng các quy định. Đến Ý lần này, Thủ tướng Merkel mang theo thông điệp về “một châu Âu tốt đẹp hơn”. Trong khi đó, Thủ tướng nước chủ nhà Renzi muốn Ý phải có tiếng nói mạnh mẽ hơn trong việc định hình tương lai của khối sau khi Anh rời EU và Tổng thống Hollande muốn tăng gấp đôi kế hoạch đầu tư cho liên minh này. Ý mong muốn củng cố hơn nữa châu Âu trong làn sóng Brexit. Song, bà Merkel quan ngại về việc bảo vệ được tính thống nhất của khối gồm 27 thành viên. Sự hiện diện của bà ở Ý mở đầu cho chuyến công du với những chặng dừng chân sau đó tại 3 nước Trung và Đông Âu: Estonia, Cộng hòa Czech và Ba Lan từ ngày 24 đến 26-8 tới.
Một nhà ngoại giao của EU khẳng định: “Mục tiêu trước hết phải là bảo vệ hiện trạng và ngăn chặn sự tan rã hơn nữa của 27 thành viên EU”. Hội nghị thượng đỉnh EU sắp tới sẽ đánh dấu sự nhóm họp của lãnh đạo 27 nước thành viên. Hãng Bloomberg cho biết, nước Anh không được mời đến Bratislava để tham dự hội nghị này.
PHÚC NGUYÊN