.

Mỹ - Singapore thắt chặt quan hệ

.

Chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long được xem là cơ hội để tái khẳng định mối quan hệ giữa hai nước, đồng thời phản ánh vai trò quan trọng của quốc đảo sư tử trong chính sách tái cân bằng của Washington ở châu Á - Thái Bình Dương.

Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long (trái) và Tổng thống Mỹ Barack Obama gặp gỡ tại California (Mỹ) ngày 15-2 vừa qua.  				Ảnh: Independent
Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long (trái) và Tổng thống Mỹ Barack Obama gặp gỡ tại California (Mỹ) ngày 15-2 vừa qua. Ảnh: Independent

Ngày 31-7, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đến thủ đô Washington D.C, bắt đầu chuyến thăm Mỹ trong 6 ngày. Đây là chuyến thăm chính thức Mỹ đầu tiên của một vị Thủ tướng Singapore kể từ năm 1985. Đặc biệt, chuyến thăm diễn ra đúng dịp kỷ niệm 50 năm quan hệ song phương giữa Mỹ và Singapore.

Báo Straits Times cho biết, ngày 2-8, Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ đón tiếp Thủ tướng Lý Hiển Long tại Nhà Trắng. Vị Thủ tướng đến từ châu Á sẽ được ông chủ Nhà Trắng tiếp đón nồng hậu với yến tiệc quốc gia mà chưa lãnh đạo nào của vùng Đông Nam Á có được.

Ông Lý Hiển Long cũng sẽ có các cuộc gặp với Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden, Ngoại trưởng John Kerry, Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter, Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) John Brennan, Bộ trưởng Tài chính Jacob Lew và Bộ trưởng Thương mại Penny Pritzker.

Theo trang Kênh tin tức châu Á (Channel News Asia), trong chương trình nghị sự của ông Lý Hiển Long ở Mỹ gồm những vấn đề hợp tác kinh tế - thương mại; trong đó, nổi bật là Hiệp định Thương mại tự do Mỹ - Singapore năm 2004, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà Mỹ và Singapore đều là thành viên.

Trước khi nhà lãnh đạo Singapore đến Mỹ, ông Obama nói rằng, quốc đảo sư tử nhỏ bé giữ vai trò là điểm tựa cho sự hiện diện của cường quốc hàng đầu thế giới tại châu Á; hơn nữa, mối quan hệ khăng khít giữa hai nước là nền tảng cho hòa bình cũng như sự ổn định ở khu vực. Ông Obama khẳng định: Chuyến thăm của Thủ tướng Lý Hiển Long là cơ hội để tái khẳng định không chỉ mối quan hệ giữa hai nước mà còn giữa Washington với các đối tác thân cận trên thế giới. “Những chuyến công cán như thế là cơ hội để thắt chặt thêm mối quan hệ và tình thân hữu giữa các đối tác của chúng tôi ở khắp thế giới”, Tổng thống Obama nói.

Theo các nhà quan sát, chuyến thăm của Thủ tướng Lý Hiển Long phản ánh vai trò quan trọng của Singapore trong chính sách tái cân bằng của Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương, khi Washington muốn tăng cường sự hiện diện ở khu vực này.  

Kể từ năm 1985, giữa Mỹ và Singapore không có bất kỳ chuyến thăm chính thức cấp cao nào. Song, mối quan hệ giữa hai nước vẫn tốt đẹp. Mỹ xem Singapore là đối tác chiến lược thân cận và là người bạn đáng tin cậy ở Đông Nam Á, như khẳng định của Tổng thống Obama với báo Straits Times. Về hợp tác kinh tế, Mỹ là nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất của Singapore, với con số 3.700 công ty Mỹ hiện đặt trụ sở ở quốc đảo sư tử. Còn Singapore là đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ tại Đông Nam Á.

Báo Straits Times cũng dẫn lời Tổng thống Obama rằng, Mỹ và Singapore cùng cam kết xây dựng một trật tự khu vực mà ở đó, tất cả các quốc gia đều tuân thủ quy tắc chung, tất cả các quy tắc đều được giải quyết một cách hòa bình.

Giới quan sát cho rằng, lộ trình Mỹ xoay trục sang châu Á - Thái Bình Dương không thể thiếu hợp tác kinh tế và quốc phòng với các đối tác, trong đó có Singapore. Cuối năm ngoái, Singapore đã chấp thuận cho Mỹ sử dụng căn cứ để đưa máy bay P-8 Poseidon tuần tra Biển Đông và động thái này được xem là bước tiến đáng kể trong quan hệ quốc phòng giữa hai nước. Trong vấn đề Biển Đông, Singapore luôn khẳng định không phải là một bên tranh chấp, nhưng tuyên bố nước này vẫn có quyền bảo đảm tự do hàng hải và hàng không ở vùng biển này.

BÌNH YÊN

;
.
.
.
.
.