.

Mỹ tin tưởng TPP được phê chuẩn trước khi Obama rời nhiệm sở

.

Tổng thống Obama đang đẩy mạnh những nỗ lực cuối cùng để hoàn thành những mục tiêu còn dang dở trong việc phê chuẩn TPP.

Ảnh: tradesecretlaw.
Ảnh: tradesecretlaw.

Văn phòng Tổng thống Mỹ hôm qua (29/8) cho biết, chính quyền Washington vẫn có khả năng được Quốc hội nước này thông qua Hiệp định thương mại đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) trước khi Tổng thống Barack Obama kết thúc nhiệm kỳ vào ngày 20/1 năm 2017.

Nhà Trắng đồng thời cảnh báo rằng, nếu TPP không được phê chuẩn, vai trò lãnh đạo của Mỹ sẽ bị suy yếu trong khu vực.

Phát biểu tại cuộc họp báo trước thềm chuyến công du châu Á của Tổng thống Mỹ vào đầu tuần này, người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnes khẳng định: “Tổng thống Obama có niềm tin mạnh mẽ rằng chính phủ Mỹ đang đạt được những tiến bộ và đang đi theo một lộ trình để đạt được điều đó trước khi Tổng thống rời khỏi nhiệm kỳ vào đầu năm tới. Các cuộc thăm dò của các đồng nghiệp của chúng tôi tại NBC cho thấy có một sự ủng hộ lớn trên cả nước, ở cả Đảng Dân chủ và Cộng hòa cho Hiệp định thương mại đa phương này”.

Chỉ còn ít tháng cuối cùng tại Nhà Trắng, Tổng thống Obama đang đẩy mạnh những nỗ lực cuối cùng để hoàn thành những mục tiêu còn dang dở, trong đó có việc thúc đẩy Quốc hội Mỹ thông qua Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP trước khi hiệp định thương mại đa phương này có hiệu lực.

Tuy nhiên, trên thực tế thì dường như triển vọng đạt được TPP của chính quyền Obama ngày càng mờ nhạt khi mà hiện cả hai ứng cử viên Tổng thống của Đảng Dân chủ (bà Hillary Clinton) và ông Donald Trump (đảng Cộng hòa) đến nay vẫn cương quyết phản đối. Chủ tịch Thượng viện Mitch Mc Conell mới đây cũng tuyên bố rằng, Thượng viện  nước này có thể không bỏ phiếu thông qua TPP trong năm nay mà sẽ để việc này vào nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ kế tiếp vào tháng 1 năm tới.

Sau khi được đại diện 12 quốc gia gồm (Mỹ, Nhật Bản, Singapore, Mexico, Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, New Zealand, Peru và Việt Nam) ký kết ngày 4/2 vừa qua, Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương này cần phải được chính phủ 12 nước trình Quốc hội phê chuẩn trước khi chính thức có hiệu lực.

Theo Mai Liên/VOV

;
.
.
.
.
.