.

Nga không có căn cứ quân sự ở Iran

.

Iran khẳng định, Nga hiện không có căn cứ quân sự ở quốc gia Trung Đông này và đây là lần đầu tiên Mátxcơva sử dụng căn cứ ở một nước khác ngoài Syria để thực hiện chiến dịch không kích chống các nhóm Hồi giáo cực đoan.

Từ căn cứ không quân gần Hamedan (Iran), máy bay ném bom Tu-22M3 của Nga đã tiến hành không kích ở Syria.  				               Ảnh: AP
Từ căn cứ không quân gần Hamedan (Iran), máy bay ném bom Tu-22M3 của Nga đã tiến hành không kích ở Syria. Ảnh: AP

Hãng AP cho biết, thực tế, việc Iran cho phép các máy bay chiến đấu của Nga cất cánh từ lãnh thổ của nước này để ném bom nhằm vào các mục tiêu ở Syria là động thái chưa từng có. Điều này minh chứng sự hợp tác sâu sắc giữa Nga và Iran xung quanh cuộc nội chiến kéo dài ở Syria.

Ngày 17-8, Chủ tịch Quốc hội Iran Ali Larijani khẳng định Nga hiện không có căn cứ quân sự ở nước ông. Phát biểu này dường như xua tan những quan ngại ở quốc gia Cộng hòa Hồi giáo đối với chiến dịch không kích của Nga. Hiến pháp Iran, được phê chuẩn sau Cách mạng Hồi giáo năm 1979, vốn nghiêm cấm quân đội nước ngoài sử dụng căn cứ trên lãnh thổ Iran.

Phát biểu của ông Larijani, được hãng thông tấn nhà nước IRNA dẫn lời, không đề cập trực tiếp về vụ không kích. Ông Larijani chỉ nói rằng, Iran “hợp tác với Nga như một đồng minh trong các vấn đề khu vực, đặc biệt là vấn đề Syria”. “Chúng ta hợp tác tốt với Nga”, vị Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Một ngày trước đó, Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố, từ khu vực gần thành phố Hamedan của Iran, Mátxcơva tiến hành không kích nhằm vào 3 tỉnh ở bắc và đông Syria. Hãng AP cho biết, trong lịch sử gần đây của Iran chưa từng có việc Tehran cho phép một cường quốc nước ngoài dùng một trong những căn cứ trên lãnh thổ mình để thực hiện tấn công. Nga trước đó cũng không sử dụng căn cứ không quân của một quốc gia khác ngoài Syria để tấn công lực lượng phiến quân ở quốc gia Trung Đông này kể từ khi phát động chiến dịch vào tháng 9 năm ngoái.

Các nhà quan sát cho rằng, động thái của Nga và Iran diễn ra với thông điệp được gửi đến Mỹ khi Washington đang theo dõi chặt chẽ sự leo thang bạo lực ở Aleppo, thành phố lớn thứ hai của Syria. Mỹ nói rằng đã được phía Nga cảnh báo trước về các chuyến bay (từ Iran). Mỹ cũng xác nhận các chuyến bay không gây ảnh hưởng tới những hoạt động của liên quân diễn ra khi đó. Washington thậm chí từng đề nghị liên minh với Nga để chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) và các tay súng cực đoan khác như một giải pháp để buộc chính phủ Syria phải rời khỏi cuộc chiến này.

Nga và Iran vốn ủng hộ chính phủ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad trong cuộc nội chiến kéo dài 5,5 năm với phiến quân, lực lượng được Mỹ cùng các đồng minh như Thổ Nhĩ Kỳ và Saudi Arabia hậu thuẫn. Tuy nhiên, phương Tây đã hy vọng Nga đổi ý.

Ngày 16-8, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry gọi điện cho người đồng cấp Nga Sergei Lavrov để bàn thảo về chiến dịch mới của Mátxcơva. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Mark Toner nói với báo giới rằng, Washington vẫn cố xác định chính xác những gì Nga đang làm. Trong khi đó, theo phát ngôn viên quân đội Mỹ ở Iraq, Christopher Garver, Nga đã liên lạc với các quan chức liên minh trước khi tiến hành không kích ở Syria. “Nga đã thông báo với liên minh”, ông Garver khẳng định.

Ông Toner cho hay, sự hợp tác giữa Nga với Iran không ảnh hưởng đến quan hệ đối tác giữa Nga với Mỹ ở Syria. Tuy nhiên, một thỏa thuận giữa Mátxcơva và Washington vốn là điều khó khăn, nay càng khó khăn hơn trong “mối quan hệ tay ba: Mỹ - Nga - Iran”.

Ông Toner cho rằng, Nga đã vi phạm Nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc trong việc gìn giữ thỏa thuận hạt nhân đã ký với Iran. Nghị quyết này nghiêm cấm việc cung cấp, bán và chuyển giao máy bay chiến đấu cho Iran nếu không có sự phê chuẩn của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.

Trong khi đó, Nga lý giải, máy bay của nước này chỉ nhằm vào các chiến binh IS và nhóm có liên quan Al-Qaeda, được gọi là Mặt trận Nursa ở thành phố Aleppo cũng như ở Deir el-Zour và Idlib, phá hủy 5 kho đạn dược lớn, các trại huấn luyện và 3 căn cứ chỉ huy.

PHÚC NGUYÊN

;
.
.
.
.
.