.

Nga không vi phạm nghị quyết Liên Hợp Quốc

.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov bác bỏ cáo buộc cho rằng, Mátxcơva vi phạm nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA LHQ) khi tiến hành không kích Syria từ căn cứ không quân của Iran. Không những thế, Nga vẫn tiếp tục ngày không kích thứ hai.

Máy bay ném bom tầm xa Tupolev Tu-22M3 của Nga xuất phát từ Iran tham gia không kích tại Syria. 				                   Ảnh: Reuters
Máy bay ném bom tầm xa Tupolev Tu-22M3 của Nga xuất phát từ Iran tham gia không kích tại Syria. Ảnh: Reuters

Hãng Reuters dẫn lời quân đội Nga cho biết, nước này đã tiến hành loạt không kích thứ hai tại Syria từ căn cứ không quân ở phía tây Iran. Ngày không kích này mở rộng một giai đoạn mới trong chiến dịch không kích của Nga cho thấy, Mátxcơva vẫn sẽ tiếp tục duy trì sự ủng hộ mạnh mẽ đối với chính phủ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad.

Các máy bay ném bom chiến thuật Su-34 cất cánh từ căn cứ quân sự ở Hamedan của Iran không kích các mục tiêu của Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở gần Deir el-Zour. Theo Bộ Quốc phòng Nga, đợt không kích đã phá hủy 2 chốt chỉ huy, tiêu diệt hơn 150 phiến quân.

Mỹ, vốn muốn lật đổ ông Assad, bày tỏ quan ngại về sự điều phối, tăng cường hợp tác quân sự giữa Mátxcơva và Tehran. Mỹ bày tỏ quan ngại về việc Nga sử dụng căn cứ không quân của Iran, cho rằng động thái này có thể vi phạm nghị quyết số 2231 của HĐBA LHQ, theo đó cấm cung cấp, bán hoặc vận chuyển máy bay chiến đấu cho Tehran nếu không được sự chấp thuận trước của hội đồng này.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tiếp tục phản bác gay gắt, bác bỏ cáo buộc cho rằng việc điều động máy bay từ Iran là hành động vi phạm nghị quyết của HĐBA LHQ. Ông Lavrov nói: “Không có căn cứ nào để nghi ngờ Nga vi phạm nghị quyết của LHQ. Nga không cung cấp, cũng không vận chuyển các máy bay quân sự của Nga đến Iran”.

Không những thế, lực lượng quân đội Nga phản ứng gay gắt với những chỉ trích của Mỹ và cho rằng Bộ Ngoại giao Mỹ đã hiểu sai về nội dung của nghị quyết LHQ. Người phát ngôn lực lượng quân đội Nga, ông Igor Konashenkov nói: “Trước hết, họ nên kiểm tra lại các nội dung trong nghị quyết số 2231 của LHQ, trong đó đề cập rõ là các máy bay chiếc đấu được “bán”, “được vận chuyển” hay “được sử dụng” bên trong Iran chỉ khi có sự đồng ý của HĐBA LHQ”. Ông Konahsenkov nói thêm: “Chúng tôi đề nghị các đại diện của Bộ Ngoại giao Mỹ lấy bút chì của họ ra dò theo các đường biên trên bản đồ để phát hiện ra thực tế Syria là quốc gia có chủ quyền độc lập”.

Tại Washington, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Mỹ Mark Toner cho rằng, cơ quan này “vẫn đang đánh giá” xem việc Nga sử dụng các căn cứ không quân của Iran có phải là hành động vi phạm nghị quyết của HĐBA LHQ hay không.

Theo ông Toner, nội dung nghị quyết vốn thông qua hồi năm ngoái cho phép “các loại vũ khí cụ thể… được sử dụng hay cất giữ ở Iran” nhưng người Nga lại đang hỗ trợ không lực và các luật sư của Bộ Ngoại giao vẫn chưa thể kết luận việc đó có vi phạm nghị quyết hay không. “Chúng tôi vẫn chưa nêu đánh giá, chúng tôi chỉ đang quan sát sự việc. Việc đó đòi hỏi sự phân tích pháp lý chi tiết để biết được có phải là vi phạm hay không”, ông Toner nói.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ cũng cho rằng, mặc dù Washington rất quan ngại về việc Nga sử dụng Iran làm nơi triển khai các cuộc tấn công, nhưng thực tế thời gian qua Mátxcơva đã và đang tiến hành các cuộc không kích tương tự trong nhiều tháng từ trong Syria và từ Nga. Ông Toner nói: “Thế nên vấn đề không mới”.

Iran và Nga từ lâu ủng hộ chính phủ của Tổng thống Assad. Iran cung cấp lực lượng cố vấn và bộ binh cho chính phủ Damascus, còn Nga hỗ trợ hỏa lực không quân. Với chiến dịch không kích mở rộng của Nga tại Syria bắt đầu từ năm ngoái, cuộc chiến tại Syria chủ yếu chuyển sang hướng ủng hộ chính phủ ông Assad.

Tuy nhiên, theo chuyên gia chống khủng bố và chống nổi dậy Seth Jones tại Washington, lực lượng nổi dậy đã chiếm lại một số khu vực và có vẻ như Điện Kremlin lo sợ ông Assad sẽ mất thế chủ động nên Nga đã có động thái tăng cường thêm hỗ trợ.

Trong khi đó, chuyên gia Chris Harmer của Viện Nghiên cứu chiến tranh tại Washington nhận định: Việc đặt các máy bay của Nga tại Iran cho thấy một thông điệp nữa muốn gửi tới phương Tây rằng, “Iran và Nga sẽ dốc lực vì sự tồn tại của chính phủ Assad”. Cũng theo chuyên gia này, thực tế việc đặt máy bay Nga tại Iran không tạo thêm nhiều lợi thế quân sự, nhưng nó mang ý nghĩa biểu tượng rất lớn. Ông nói: “Thông điệp ở đây là: Chúng tôi sẽ còn ở đây rất lâu nữa”.

TRẦN ĐẮC LUÂN

;
.
.
.
.
.