Quốc tế

Nhật Bản có nữ Bộ trưởng Quốc phòng

08:20, 04/08/2016 (GMT+7)

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã bổ nhiệm đồng minh bảo thủ, bà Tomomi Inada, làm Bộ trưởng Quốc phòng. Động thái này được cho là nhằm chuẩn bị sửa đổi hiến pháp và áp dụng chính sách cứng rắn với Trung Quốc.

Bộ trưởng Quốc phòng mới được bổ nhiệm, bà Tomomi Inada, trả lời báo giới tại Tokyo.  							           Ảnh: AP
Bộ trưởng Quốc phòng mới được bổ nhiệm, bà Tomomi Inada, trả lời báo giới tại Tokyo. Ảnh: AP

Ngày 3-8, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tiến hành cải tổ nội các, trong đó thay đổi hơn một nửa trong số 19 thành viên chính phủ, trừ một số vị trí chủ chốt, nhằm tìm kiếm sự ủng hộ đối với các chính sách kinh tế và an ninh của ông. Đáng lưu ý, vị trí Bộ trưởng Quốc phòng được trao cho Giám đốc chính sách của đảng Dân chủ Tự do (LDP), bà Tomomi Inada, thay thế người tiền nhiệm Gen Nakatani, nhằm chia sẻ mục tiêu của ông Abe trong việc sửa đổi hiến pháp hòa bình của Nhật Bản. Theo đó, bà Inada, cựu luật sư 57 tuổi, trở thành nữ Bộ trưởng Quốc phòng thứ hai trong lịch sử Nhật Bản. Nữ Bộ trưởng Quốc phòng đầu tiên của đất nước này là bà Yuriko Koike, người vừa được bổ nhiệm làm Thị trưởng Tokyo.

Hãng AP dẫn lời bà Inada nói rằng, bà sẽ cố gắng bảo vệ hòa bình và an toàn theo thỏa thuận liên minh Mỹ - Hàn, vốn được Tokyo xem là nền tảng của chính sách an ninh và ngoại giao.

Tuy nhiên, theo Reuters, việc bà Inada trở thành Bộ trưởng Quốc phòng có thể không làm Trung Quốc và Hàn Quốc hài lòng, bởi bà vẫn thường đến viếng đền Yasukuni ở Tokyo, trong khi Bắc Kinh và Seoul vốn xem ngôi đền này là biểu tượng của chủ nghĩa quân phiệt Nhật. Mối quan hệ giữa Nhật Bản với Trung Quốc và Hàn Quốc thường rạn nứt bởi hành động của quân đội Nhật trước và trong Thế chiến thứ hai.

Chuyên gia Takashi Kawakami về an ninh tại Đại học Takushoku cho rằng, bà Inada là chính khách bảo thủ; việc bổ nhiệm bà đứng đầu Bộ Quốc phòng là bước chuẩn bị để sửa đổi hiến pháp hòa bình và áp dụng chính sách cứng rắn với Trung Quốc.

Hãng Reuters cho biết, trong cuộc cải tổ nội các lần này, Thủ tướng Abe giữ lại cánh tay phải của ông - Chánh Văn phòng nội các Yoshihide Suga, cùng Bộ trưởng Tài chính Taro Aso, Ngoại trưởng Fumio Kishida. Bộ trưởng Kinh tế Nobuteru Ishihara cũng đảm nhiệm lại cương vị cùng Bộ trưởng Y tế, Phúc lợi và Lao động Yasuhisa Shiozaki. Phó Chánh Văn phòng nội các Hiroshige Seko trở thành Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp.

Phát biểu tại cuộc họp báo ở Tokyo, Thủ tướng Abe khẳng định kinh tế vẫn là ưu tiên hàng đầu và nhà lãnh đạo này sẽ nỗ lực hết sức để đưa nền kinh tế ra khỏi giảm phát. Trước đó, ngày 2-8, nội các của ông thông qua gói 13.500 tỷ yen (133,58 tỷ USD) để phục hồi nền kinh tế.

Thủ tướng Abe cũng cam kết hàn gắn quan hệ ở khu vực trong lúc đối mặt với mối đe dọa từ CHDCND Triều Tiên. “Chúng ta sẽ thúc đẩy quan hệ với các nước láng giềng như Trung Quốc và Hàn Quốc, đồng thời tiến hành đàm phán với Nga về một hiệp ước hòa bình”, ông Abe nói, đề cập thực tế rằng, Nhật Bản và Nga chưa bao giờ ký một hiệp ước nào sau Thế chiến thứ hai do sự tranh chấp lãnh thổ giữa hai nước.

Không những thế, Thủ tướng Abe còn nhắc đến vụ CHDCND Triều Tiên phóng một tên lửa đạn đạo vào sáng 3-8 và lần đầu tiên trong vòng 18 năm, tên lửa rơi trực tiếp xuống vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản, khiến Tokyo tức giận. Ông Abe gọi đây là “mối đe dọa nghiêm trọng” đối với an ninh của Nhật Bản và là “sự phẫn nộ không thể tha thứ”.

Tháng 9 tới, Thủ tướng Abe sẽ đến Trung Quốc để tham dự Hội nghị thượng đỉnh nhóm các nền kinh tế lớn (G20). Ông có thể sẽ gặp gỡ Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình để hàn gắn mối quan hệ giữa hai cường quốc châu Á vốn căng thẳng xung quanh vấn đề tranh chấp chủ quyền lãnh thổ trên Biển Hoa Đông và hành động của Trung Quốc trên Biển Đông.

THIÊN BÌNH

.