.

Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ phê chuẩn thỏa thuận khôi phục quan hệ với Israel

.

Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ ngày 20-8 đã phê chuẩn thỏa thuận hòa giải đã ký giữa Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ và Israel hồi tháng 6 vừa qua.

Tổng thống Thổ Erdogan (trái) và Thủ tướng Israel Netanyahu. (Ảnh: stratfor.com).
Tổng thống Thổ Erdogan (trái) và Thủ tướng Israel Netanyahu. (Ảnh: stratfor.com).

Động thái trên là bước đi pháp lý nhằm hợp thức hóa thỏa thuận giữa hai nước, đồng thời khôi phục lại mối quan hệ giữa hai nước từng là đồng minh, sau gần 6 năm bị đổ vỡ.

Thỏa thuận được thông qua với với 209 phiếu thuận, 16 phiếu chống, 3 phiếu trắng. Theo đánh giá của giới phân tích, việc Quốc hội hai nước chính thức phê chuẩn thỏa thuận có “tầm quan trọng chiến lược”, sẽ chính thức hợp pháp hóa thỏa thuận đã ký giữa hai nước và là cơ sở cho các bước đi tiếp theo nhằm khôi phục lại mối quan hệ giữa Israel và Thổ Nhĩ Kỳ, trong đó có việc hai nước chỉ định lại đại sứ tại mỗi nước.

Việc thông qua thỏa thuận cũng giúp mang lại ổn định đối với khu vực Trung Đông đồng thời mang lại lợi ích kinh tế cho Israel.

Theo nghị sĩ Burhan Kuzu thuộc Đảng cầm quyền Công lý và Phát triển (AKP) Thổ Nhĩ Kỳ, một khi thỏa thuận chính thức được thông qua sẽ mở ra nhiều triển vọng hợp đồng khí đốt sinh lợi ở Địa Trung Hải, trong đó có hợp đồng cung cấp khí đốt của Israel cho châu Âu thông qua Thổ Nhĩ Kỳ.

Ông Kuzu nhận xét: “Tôi không cho rằng sẽ có vấn đề gì trong việc thực hiện thỏa thuận đã ký giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Israel. An ninh của Israel vốn phụ thuộc vào an ninh của Thổ Nhĩ Kỳ. Bên cạnh đó, Israel cũng đang theo đuổi nhiều dự án về nguồn lực khí đốt tại khu vực Địa Trung Hải và chúng tôi cũng muốn là một phần trong các dự án đó. Tuyến đường ngắn nhất và an toàn nhất để vận chuyển khí đốt tới châu Âu là qua Thổ Nhĩ Kỳ”.

Quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Israel, từng là đồng minh gần gũi, đã đổ vỡ sau vụ hải quân Israel tấn công tàu Mavi Marmara của Thổ Nhĩ Kỳ chở hàng cứu trợ tới Dải Gaza hồi năm 2010, làm 10 người Thổ Nhĩ Kỳ trên tàu thiệt mạng.

Sau vụ việc trên, hai nước đã rút đại sứ về nước, cắt đứt quan hệ an ninh, chỉ duy trì các quan hệ ngoại giao ở mức thấp. Tuy nhiên, hồi cuối tháng 6 vừa qua, Thổ Nhĩ Kỳ và Israel đã ký thỏa thuận khôi phục quan hệ giữa hai nước và nhất trí số tiền bồi thường 20 triệu USD.

Việc Israel xin lỗi và đồng ý bồi thường cho các nạn nhân trong vụ tấn công tàu Mavi Marmara được coi là động thái nhằm khép lại cuộc tranh cãi đã kéo dài 6 năm qua giữa hai nước.

Hiện Israel vẫn duy trì việc phong tỏa hải quân đối với dải Gaza nhưng vẫn cho phép viện trợ nhân đạo đến vùng lãnh thổ này qua các cảng của Israel. Thổ Nhĩ Kỳ dự định cung cấp viện trợ nhân đạo cho dải Gaza thông qua cảng biển Ashdod của Israel và tiến hành một loạt dự án phát triển ở Gaza, đặc biệt là điện và nước.

Theo VOV

;
.
.
.
.
.