.

Sách Trắng của Nhật Bản chỉ trích Trung Quốc

.

Báo cáo quốc phòng thường niên của Nhật Bản (còn gọi là Sách Trắng) cho rằng, Trung Quốc có nguy cơ gây ra xung đột với các nước châu Á thông qua hành động khiêu khích trên Biển Đông. Sách Trắng đã được chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe thông qua.

Các tàu chiến của Trung Quốc tập trận trên Biển Đông hồi tháng 5 vừa qua. 			     	             Ảnh: AFP
Các tàu chiến của Trung Quốc tập trận trên Biển Đông hồi tháng 5 vừa qua. Ảnh: AFP

Chính phủ Nhật Bản ngày 2-8 công bố Sách Trắng, trong đó đề cập mối quan ngại đối với hành động của Trung Quốc ở các khu vực có tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông. Sách Trắng dài 484 trang, gấp hơn 10 lần so với văn bản năm ngoái, cho rằng siêu cường của khu vực (tức Trung Quốc) tiếp tục “có những hành động gây nguy hiểm, có thể dẫn đến những hậu quả khôn lường”. Sách Trắng cũng nêu rõ: Trung Quốc sẵn sàng đáp ứng nhu cầu đơn phương của mình, thay vì thỏa hiệp, trong đó nỗ lực để thay đổi hiện trạng khu vực. Theo đó, Sách Trắng kêu gọi Trung Quốc tuân thủ phán quyết của Tòa trọng tài thường trực quốc tế (PCA) có trụ sở ở The Hague (Hà Lan).

Sách Trắng của Nhật Bản được đưa ra trong lúc Trung Quốc đứng trước những kêu gọi phải tôn trọng phán quyết của PCA trong vụ Philippines kiện Bắc Kinh. Ngày 12-7 vừa qua, PCA bác bỏ những tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông. Tuy nhiên, Bắc Kinh không chấp nhận phán quyết.

Hãng AFP cho biết, Nhật Bản cũng bày tỏ quan ngại về hoạt động của Trung Quốc đang gia tăng ở Biển Hoa Đông, nơi hai nước tranh chấp chủ quyền đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. “Thời gian gần đây, Trung Quốc tăng cường các hoạt động gần đảo Senkaku, chẳng hạn như trực thăng quân sự của Bắc Kinh bay xuống phía nam gần đảo”, Sách Trắng khẳng định.

Trong vòng 1 năm, tính đến tháng 3-2016, lực lượng không quân Nhật Bản đã 571 lần ngăn chặn các máy bay của Trung Quốc bay gần không phận Nhật, tăng so với con số 107 lần của năm trước.

Ngay sau khi Nhật Bản công bố Sách Trắng, hãng Tân Hoa xã của Trung Quốc chỉ trích báo cáo của Tokyo. Tân Hoa xã ngang nhiên cáo buộc Nhật “đề cập thiếu trách nhiệm về quốc phòng quốc gia của Trung Quốc cùng các hoạt động hàng hải hợp pháp và bình thường của Trung Quốc ở Biển Đông và Biển Hoa Đông” (!?). Bắc Kinh luôn cho rằng, Nhật Bản không nên can thiệp vào vấn đề Biển Đông. Thực tế, Nhật Bản không có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông nhưng lo ngại việc Trung Quốc bồi đắp các đảo nhân tạo, xây dựng căn cứ quân sự trái phép ở vùng biển này sẽ thúc đẩy ảnh hưởng của Bắc Kinh đối với một khu vực có giao thương đạt 5.000 tỷ USD/năm.

Hồi tháng 2 vừa qua, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter cho rằng, sự hiện diện quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông đang làm gia tăng nguy cơ “tính toán sai lầm hoặc xung đột”. Washington vẫn thường đưa tàu chiến đến khu vực này để bảo đảm quyền tự do hàng hải.

Điều đáng lưu ý là trả lời phỏng vấn báo Strait Times (Singapore) về phán quyết của PCA ngày 1-8, Tổng thống Mỹ Barack Obama cho rằng, Philippines đã nỗ lực hợp pháp và hòa bình để giải quyết tranh chấp với Trung Quốc thông qua Tòa trọng tài. Đây là lần đầu tiên ông Obama trả lời báo chí về vấn đề Biển Đông kể từ sau phán quyết của PCA.

Tổng thống Obama nhận định: Phán quyết đã đưa ra một quyết định rõ ràng và có tính ràng buộc pháp lý đối với các đòi hỏi hàng hải liên quan Trung Quốc và Philippines ở Biển Đông; theo đó, phán quyết này cần được tôn trọng. Người đứng đầu Nhà Trắng cam kết hành động của nước ông sẽ luôn phù hợp với luật pháp quốc tế và sự tham gia của Mỹ tại khu vực châu Á không nhằm vào một quốc gia nào.

Trung Quốc đòi phạt tù ngư dân đánh bắt ở Biển Đông

Hãng Reuters cho biết, Tòa án Tối cao Trung Quốc ngày 2-8 ngang ngược ra phán quyết rằng, ngư dân đánh bắt cá “trái phép” ở khu vực Biển Đông mà nước này cho là lãnh thổ của mình có thể bị phạt tù lên đến 1 năm.

Song, Tòa án Tối cao Trung Quốc không đề cập trực tiếp đến phán quyết của Tòa trọng tài thường trực quốc tế (PCA) có trụ sở ở The Hague (Hà Lan), vốn tuyên bố Bắc Kinh không có chủ quyền ở Biển Đông.

PHÚC NGUYÊN

;
.
.
.
.
.