.

Sau cuộc bỏ phiếu trưng cầu hiến pháp mới: Thái Lan vẫn chia rẽ

.

Sau cuộc bỏ phiếu trưng cầu dân ý ngày 7-8, với 61,4% cử tri ủng hộ hiến pháp mới và 38,6% phản đối, đất nước Thái Lan vẫn chia rẽ. Kết quả sơ bộ cho thấy, khu vực đông bắc - “thành trì” của cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra - và 3 tỉnh miền nam có đông người Hồi giáo sinh sống, hầu hết người dân đã bỏ phiếu chống.

Cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra phát biểu với báo giới ở Bangkok. 		Ảnh: AFP
Cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra phát biểu với báo giới ở Bangkok. Ảnh: AFP

Hãng Reuters dẫn lời Sunai, một quan chức thuộc cơ quan Quan sát nhân quyền nhận định, kết quả cho thấy Thái Lan vẫn chia rẽ. Kết quả chính thức sẽ được công bố vào ngày 10-8.

Ngày 8-8, cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra, người bị lật đổ trong cuộc đảo chính năm 2014, nói rằng thắng lợi của chính phủ quân sự nắm quyền trong cuộc trưng cầu dân ý là bước thụt lùi về nền dân chủ của đất nước. “Tôi chấp nhận quyết định của người dân”, bà Yingluck nói, đồng thời cho biết bà không ngạc nhiên về kết quả, bởi chính phủ quân sự trước đó đã ban hành lệnh cấm tranh cãi về dự thảo hiến pháp.

Đây là phản ứng đầu tiên của cựu Thủ tướng Yingluck đối với cuộc bỏ phiếu. Bà nói: “Tôi buồn vì thực tế đất nước chúng ta đang trở lại một hiến pháp phi dân chủ”. Sự kiện ngày 7-8 cũng đánh dấu thất bại của gia đình bà bởi dòng tộc Shinawatra luôn giành thắng lợi trong tất cả các cuộc tổng tuyển cử kể từ năm 2001. Đảng Peua Thai của bà vẫn nhận được sự ủng hộ, nhất là ở khu vực phía bắc và đông bắc.

Trong khi đó, ông Jatuporn Prompan, Chủ tịch Mặt trận thống nhất dân chủ chống độc tài (phe áo đỏ) cũng bày tỏ việc chấp nhận kết quả trưng cầu dân ý và sẽ chờ đợi những gì diễn ra trong cuộc tổng tuyển cử năm 2017.

Các chuyên gia cho rằng, cuộc trưng cầu dân ý phần nào phản ánh tác động từ lệnh cấm của chính phủ quân đội đối với các hoạt động chống lại dự thảo hiến pháp. Song, đây là dấu hiệu cho thấy người dân đã mệt mỏi với vòng luẩn quẩn đảo chính và những cuộc biểu tình đẫm máu.

Theo một quan chức cấp cao của Thái Lan, quân đội sẽ tiếp tục nắm quyền ít nhất đến tháng 12-2017. Người phát ngôn của Ủy ban Soạn thảo hiến pháp Chatchai Na Chiang Mai nói với Reuters, bầu cử sẽ diễn ra sớm nhất là vào tháng 9 hoặc tháng 10-2017.

THIÊN BÌNH

;
.
.
.
.
.