Ngày 7-8 đánh dấu một trong những cuộc bỏ phiếu quan trọng nhất trong lịch sử Thái Lan: trưng cầu dân ý về bản hiến pháp do quân đội soạn thảo. Đây là lần đầu tiên quân đội tổ chức trưng cầu về hiến pháp kể từ khi nắm quyền vào tháng 5-2014.
Các cuộc tuần hành đã diễn ra nhằm kêu gọi mọi người bỏ phiếu trưng cầu dân ý. Ảnh: AP |
Hãng AP cho biết, 40 triệu cử tri Thái Lan sẽ đi bỏ phiếu trên khắp cả nước. Theo đó, cử tri sẽ trả lời 2 câu hỏi: (1) Có đồng ý với dự thảo hiến pháp mới? (2) Có đồng ý hiến pháp cần đề cập rằng, trong 5 năm đầu tiên của Quốc hội theo hiến pháp mới, vị trí thủ tướng phải được toàn thể Quốc hội lựa chọn?
Nếu cử tri nói “có” với hiến pháp mới (câu số 1), quân đội sẽ tiếp tục kiểm soát chính phủ một vài năm nữa. Nếu cử tri nói “có” với câu số 2, cả 500 thành viên Hạ viện lẫn 250 thành viên Thượng viện sẽ cùng chọn thủ tướng mới.
Chính phủ quân sự vốn nắm quyền từ tháng 5-2014 cho rằng, hiến pháp mới sẽ thúc đẩy kỷ nguyên mới của một nền chính trị trong sạch và nền dân chủ ổn định đối với Thái Lan - quốc gia Đông Nam Á thỉnh thoảng vẫn xảy ra xung đột chính trị ở trong nước.
Tuy nhiên, dự thảo hiến pháp mới vấp phải chỉ trích. Một trong những vấn đề được đặt ra là ít nhất trong giai đoạn chuyển tiếp 5 năm đầu, quân đội sẽ lựa chọn 250 thành viên Thượng viện, trong đó có các tư lệnh quân đội và cảnh sát. Như vậy, việc lựa chọn thủ tướng sẽ không bảo đảm dân chủ. Không những thế, theo AP, bế tắc tại Hạ viện gồm 500 thành viên có thể dẫn đến một phiên họp chung của hai cơ quan lập pháp và chọn một thủ tướng không phải là thành viên của Quốc hội.
Hãng AP cũng cho hay, ngay cả khi cử tri nói “không” với hiến pháp mới, quân đội vẫn sẽ nắm quyền kiểm soát trong tương lai gần. Ngày 5-8, Thủ tướng Prayuth Chan-ocha nói rằng, ông sẽ bỏ phiếu chấp nhận hiến pháp mới và cho phép các nghị sĩ bầu chọn thủ tướng. Ông cũng khẳng định sẽ tổ chức bầu cử vào năm tới nhưng không đề cập rằng bầu cử sẽ diễn ra như thế nào nếu cử tri bác bỏ dự thảo hiến pháp. “Tôi không có ý định nắm quyền. Tôi luôn nói rằng, chúng tôi sẽ tổ chức bầu cử vào năm 2017... Chúng tôi muốn đất nước tiến lên phía trước và tìm giải pháp ổn định ít nhất trong 5 năm”, ông Prayuth nói.
Theo nhà phân tích chính trị Thitinan Pongsudhirak tại Đại học Chulalongkorn ở Bangkok, nếu câu trả lời của cử tri là “không” sẽ là bước lùi về uy tín của chính phủ quân sự.
Kể từ khi bãi bỏ chế độ quân chủ năm 1932, Thái Lan đã trải qua 13 cuộc đảo chính quân sự thành công và 11 âm mưu đảo chính. Từ đó đến nay, dự thảo hiến pháp lần này là bản thứ 20 của Thái Lan. Các thủ lĩnh của cuộc đảo chính gần đây nhất cho rằng, xung đột chính trị dẫn đến tình trạng không thể kiểm soát được đất nước và việc quân đội nắm quyền là cần thiết để mang lại sự ổn định. Một ủy ban soạn thảo hiến pháp đã được thành lập hướng đến cải cách chính trị bằng việc loại bỏ nạn tham nhũng.
Theo thành viên của Ủy ban soạn thảo hiến pháp Norachit Sinhaseni, người dân Thái Lan nhận thấy nạn tham nhũng diễn ra, lãng phí tiền bạc và rất nhiều tiền đã chảy vào túi của các chính trị gia. Vì vậy, họ muốn có một chính phủ trong sạch và các chính trị gia biết xem trọng lợi ích của người dân.
Song, một số nhà quan sát cho rằng, dự thảo hiến pháp mới có một mục đích khác, đó là làm suy yếu các đồng minh của cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra, nhà lãnh đạo bị lật đổ trong cuộc đảo chính năm 2006, hiện sống ở nước ngoài nhưng vẫn có ảnh hưởng ở Thái Lan. Trong thư điện tử gửi Reuters ngày 4-8, ông Thaksin gọi dự thảo hiến pháp là “cơn ác mộng của sự mâu thuẫn và hỗn độn”.
Trong khi đó, ông Chaturon Chaisang, từng làm việc trong các nội các của cả ông Thaksin lẫn bà Yingluck Shinawatra cho rằng, điều mà ông phản đối hơn cả là dự thảo hiến pháp sẽ không cho phép người dân Thái Lan quyết định tương lai của nước mình. Vì vậy, ông chỉ trích cuộc trưng cầu dân ý là vô nghĩa bởi sau trưng cầu, chính phủ sẽ không đáp ứng được nhu cầu của người dân và sẽ vẫn có những xung đột trong tương lai.
Hãng AFP cho biết, ngày 5-8, cựu Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra xuất hiện tại Tòa án tối cao ở Bangkok để giải trình về chương trình trợ giá gạo gây thất thoát 286,6 tỷ baht (8,2 tỷ USD) dưới thời bà nắm quyền. Hàng trăm người ủng hộ bà tụ tập bên ngoài tòa án. Với chương trình trợ giá gạo, Chính phủ Thái Lan mua gạo của nông dân với giá gấp đôi giá thị trường và trữ tại các kho của nhà nước. Chương trình này từng giúp bà Yingluck giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2011 nhưng dẫn đến việc bà bị lật đổ trong cuộc đảo chính do ông Prayuth Chan-ocha dẫn đầu vào năm 2014. Tuần này, chính phủ quân sự dọa sẽ kiện bà Yingluck để yêu cầu bồi thường vì những thất thoát trong chương trình trợ giá gạo. |
THIÊN BÌNH